5 đời Hoàng thái hậu khiến nhà Lý diệt vong

Triều Lý là một triều đại thịnh trị của Đại Việt, đặt nền móng vững chắc để định hình nên đất nước. Tuy nhiên, triều đại này bị diệt vong một phần bởi sự can thiệp, tác động của các đời Thái hậu.

Sau đây là danh sách 5 đời Hoàng thái hậu đã “nắn” dòng chảy lịch sử của triều đại này.

1. Linh Chiếu Hoàng thái hậu

Bà là Hoàng hậu của Lý Thần Tông. Sau khi Lý Thần Tông băng hà, bà thực hiện “thùy liêm thính chánh”, giúp vua Lý Anh Tông cai trị đất nước trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, với vị thế của một Hoàng thái hậu quyền lực, bà vứt bỏ phép tắc tổ tiên để tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, khiến Vũ được thể lũng loạn triều chính, sát hại trung lương, đỉnh điểm là gây ra vụ án oan đẫm máu Canh Ngọ cung biến năm 1150.

 

2. Chiêu Linh Hoàng thái hậu

Bà là Hoàng hậu của Lý Anh Tông, mẹ của phế vương Lý Long Xưởng. Là mẹ đẻ của Thái tử Lý Long Xưởng nhưng không nuôi dạy con nên người. Thái tử Lý Long Xưởng ăn chơi, tư thông với phi tần của cha, bị phế bỏ vương vị. Bà biết con vô đạo, bất tài mà vẫn cố tìm cách cầu xin vua Lý Anh Tông tha tội. Sách Đại Việt Sử Lược chép rằng, vì ghen tuông với Nguyên phi Từ thị mà chính bà xúi con làm chuyện xằng bậy, khiến con bị phế.

Đường đường là Hoàng thái hậu (do là mẹ đích nên sau khi Lý Anh Tông băng hà, bà được tôn Hoàng thái hậu) mà định lợi dụng bà Lữ Thị để hối lộ quan phụ chính là Tô Hiến Thành, mưu đồ lật đổ Lý Cao Tông để con mình nối ngôi.

Nhờ có sự trung thành tuyệt đối của Tô Hiến Thành mà Lý Cao Tông giữ được ngôi. Chiêu Linh Hoàng thái hậu từ đó dần bị siết chặt trong hậu cung và qua đời trong uất hận.

3. Linh Đạo Hoàng thái hậu

Bà là phi tần của Lý Anh Tông, mẹ đẻ của Lý Cao Tông. Khi Tô Hiến Thành bệnh nặng sắp qua đời, bà đến thăm và hỏi ai có thể thay ông, Tô Hiến Thành cho rằng chỉ có Trần Trung Tá là có thể thay mình.

Thế nhưng khi Tô Hiến Thành mất, Thái hậu không nghe theo mà cho em trai mình là Đỗ Di An giữ quyền phụ chính. Đỗ Di An là kẻ bất tài lại kém đức, chỉ lo hưởng lạc, được thế uy của Thái hậu mà thâu tóm quyền lực. Lý Cao Tông chuyên dùng Đỗ Di An khiến lòng dân kêu than, cơ đồ Nhà Lý sắp đến đường diệt vong.

 

4. Đàm thái hậu

Bà là Hoàng hậu của Lý Cao Tông. Năm 1210, Lý Cao Tông băng hà. Thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Bà được tôn làm Hoàng thái hậu, sử sách thường gọi bà là Đàm Thái hậu.

Bà can dự vào chuyện triều chính, ép vua phong em mình là Đàm Dĩ Mông làm Thái sư. Đàm Thái hậu là người phụ nữ được sách sử chính thức ghi nhận can dự vào chuyện triều chính.

Thái hậu chỉ lo cho quyền lợi của dòng họ và củng cố quyền lực khiến triều chính bất ổn, xã tắc loạn lạc, các thế lực nổi lên khắp nơi.

Bà là một trong những Hoàng thái hậu tàn độc nhất trong lịch sử:

– Bà sai người đem ba Hoàng tử: Nhân Quốc vương, Lục hoàng tử và Thất hoàng tử – con của Lý Cao Tông với các thị thiếp khác dìm đầu chết ở sau giếng trong cung, đem xác cả ba ngươi vứt ra ngoài cửa Lâm Quang cung.

– Bà là nguyên nhân khiến mối tình của Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung gặp nhiều trắc trở, cản trở hôn nhân, bỏ thuốc độc. Đỉnh điểm là ép Trần Thị (khi đó đang là Thuận Trinh Phu Nhân) tự vẫn, lúc đó Trần Thị đang mang long thai.

5. Kiến Gia Hoàng hậu Trần thị (Linh Từ Quốc Mẫu)

Người đặt dấu chấm dứt cho triều đại nhà Lý là Hoàng hậu của Lý Huệ Tông – Trần Thị Dung.

Hai phe ngoại của Lý Huệ Tông là Trần Thị và Đàm thị không ngừng đấu đá nhau, trong cuộc tranh đấu đó thì Lý Huệ Tông đứng về phe nhà vợ, mối tình đầu mà ông hết mực tin yêu. Nhưng rồi, người phụ nữ cùng ông vượt qua bao chông gai đó đã góp phần chuyển giao triều đại một cách ngoạn mục.

Lý Huệ Tông xuất gia đi tu, bị Trần Thủ Độ ép tự vẫn. Đau đớn thay, Hoàng hậu Trần thị tái giá với Trần Thủ Độ.

“Tam tòng, tứ đức” của Nho giáo là tiêu chuẩn và phép tắc của phụ nữ thuở xưa. Nếu như các vị Hoàng thái hậu nhà Lý có thể “tòng tử”, giúp đỡ và là điểm tựa cho con, không vì quyền lực của bản thân, gia tộc, dòng họ mình, thì có lẽ nhà Lý không sớm bị diệt vong.

 

Tham khảo: 
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
– Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.
– Đại Việt Lược Sử.
Nguồn: Đại Việt – Group Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam (The history of Vietnam)

 

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận