01/11/2024

Hoả hổ – Hoả đồng súng – Hoả khí cuối thời Trần của Đại Việt mà Trung Quốc cũng chưa biết

Thần cơ thương, hay hỏa đồng súng, là một trong những loại hỏa khí phổ biến cuối thời Trần và đầu thời Hồ.

Vũ khí này được cho là do Hồ Nguyên Trừng cải tiến. Nhà Minh sau khi đánh bại nhà Hồ thôn tính Đại Việt thì thu được súng này, gọi là súng của người Giao Chỉ, có sách chép là Vĩnh Lạc hỏa đồng súng. Nhà Minh hết sức khen ngợi súng này.

Minh Sử chép: “Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập”. Ước tính nhà Minh đã sản xuất hàng vạn loại súng này để trang bị cho quân đội toàn quốc, dùng chinh chiến nhiều nơi.

Ấn trạch ký văn của Vương Ngao ghi chép rằng: “Khi Thành Tổ thân chinh Mạc Bắc dùng súng thần An Nam vừa bắt được, kẻ địch một người tiến lên, lại hai người nữa chết theo, đều trúng đạn mà chết”.

Súng này trước đó được cho là đã giúp quân đội nhà Trần đánh bại Chế Bồng Ngà, một ông vua kiệt xuất của Chăm Pa: “… các hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”(ĐVSKTT). Sau lại được nhà Hồ trang bị để chống quân Minh, vì thứ súng này được cho rất lợi hại mà nhà Hồ cho ban hành chính sách sử dụng tiền giấy nhằm trưng thu kim loại trong cả nước để đúc súng.
Tiếc rằng không có miêu tả chi tiết rõ ràng về súng, những bản vẽ trong sách cổ cũng khá mơ hồ. Sách Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng đời Minh chép: “Súng thần cơ có được gần đây, dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài trăm bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến. Thời Vĩnh Lạc (1403-1424) khi bình Giao Chỉ, thứ mà người Giao Chỉ chế tạo càng tinh xảo”.
Đời Thiên Khải (1621-1627), trận đồ kỷ yếu do Tào Phi vẽ đã ca ngợi như sau: “Đây là thứ lấy được khi bình An Nam, dưới tiễn có nẩy gỗ, và đặt các thứ đạn chì, chỗ kỳ diệu là dùng gỗ thiết mộc, nặng mà mạnh, một phát đi xa ba trăm bước”.

Dựa theo các tài liệu miêu tả về những hỏa khí cùng thời, đến đây tôi tạm phỏng đoán. Những súng thần cơ của nhà Trần, nhà Hồ mới đầu đều bắn tên chứ chưa có chế tạo đạn kim loại tròn như các hỏa khí đời sau. Cải tiến đáng kể của Nguyên Trừng là “dưới tiễn có nẩy gỗ” và thân mũi tên làm bằng gỗ thiết mộc nên khi bắn có lực áp suất bắn tên đi “xa ba trăm bước”.

Lại thấy bản vẽ trong sách Võ Bị đời Minh thấy tên để trong ống sát xuống đáy súng, ngờ rằng có một biến thể khác dùng một ống đựng tên bằng gỗ vừa khít với nòng súng, trong ống đựng nhiều mũi tên, sau khi nhồi thuốc dưới đáy súng thì nạp ống tên vào súng; khi bắn áp suất đẩy ống tên bay ra, ống tên vỡ theo đà quán tính phóng mưa tên về phía địch. Vì tên đặt sẵn trong những ống gỗ riêng biệt nên nạp lại rất nhanh, chỉ khi không có ống nạp sẵn thì mới dùng nẩy gỗ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận