Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng 馮興

Hổ tuổi gì với ngài… ?

Phùng Hưng 馮興

tự là Công Phấn, tên hiệu là Cự Lão, quê ở xã Cam Lâm, thuộc huyện Phúc Lộc, xứ Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Ông xuất thân từ gia đình dòng dõi cự tộc, nhiều đời làm hào trưởng đất Đường Lâm, cha tên là Phùng Hạp Khanh; thân mẫu tên Sử Thục Nương là người đảm lược, có chí lớn.

Đến tuổi trưởng thành, Phùng Hưng nối nghiệp cha làm hào trưởng Đường Lâm; ông cùng hai em là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt), âm thầm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn.

Phùng Hưng là một người có sức khoẻ khác thường, rất chuộng nghĩa khí, thường hay giúp đỡ kẻ khó; một dạo ở vùng Đường Lâm bỗng xuất hiện một con hổ dữ gây hại rất nhiều cho người và gia súc; phường săn đã được huy động tìm cách diệt hổ nhưng không được bởi đó là con hổ rất tinh khôn. Để diệt hổ dữ cứu dân lành, Phùng Hưng đã nghĩ ra kế hay, ông làm một bù nhìn bằng rơm rồi đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Khi thấy có dáng người, con hổ liền lao đến cắn xé nhưng đó chỉ là rơm với rơm. Tiếp đó Phùng Hưng lại đặt một bù nhìn rơm khác ở đúng chỗ đó; sau nhiều lần bị mắc lừa, con hổ không còn chú ý đến người rơm nữa.

Một hôm Phùng Hưng cởi trần, đóng khố, trát bùn kín khắp người để làm mất đi mùi hơi người; sau đó ông tới nơi thường đặt bù nhìn rơm. Khi con hổ xuất hiện, lúc nó đi qua thì bất ngờ Phùng Hưng xông tới quặp chặt lấy cổ hổ, sau một hồi vật lộn, lựa thế thuận lợi ông đã giáng một cú đấm cực mạnh làm vỡ sọ con hổ.

Danh tiếng vị hào trưởng Đường Lâm một mình đánh chết hổ dữ ngày càng bay xa khiến anh hùng, nghĩa sĩ khắp nơi nô nức tìm đến tỏ lòng khâm phục và kết thân. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Phùng Hưng liên kết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đường.

Năm Tân Mùi (791) cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng giành được thắng lợi, ông lấy phủ đô hộ Tống Bình đổi làm kinh đô triều đại của mình và được dân chúng suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Cầm quyền được mấy năm thì Phùng Hưng qua đời, các sách sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đều ghi rằng vua “đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết”; sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Phùng Hưng vào ở trong phủ lị, được ít lâu thì mất”. Trong khi đó sách Việt điện u linh dẫn lại sách Giao Châu ký lại cho biết: “Phùng Hưng vào phủ Đô hộ coi việc nước được 7 năm thì mất”; sách Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện cũng viết là ông làm vua được 7 năm.

Thần tích làng Thịnh Hào (nay thuộc khu vực Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) nơi thờ Phùng Hưng làm Thành hoàng viết: “Phùng Hưng vào thành, chiếm cứ phủ trị mà xưng vương, không được bao lâu Phùng Hưng ốm chết”…Sau khi ông qua đời, thi hài được an táng tại phía Tây đô thành Tống Bình (lăng mộ nay vẫn còn, nằm trên khu vực đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội).

Đánh giá về công lao, sự nghiệp của Phùng Hưng, sách Việt giám thông khảo tổng luận bình rằng: “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm, ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời trỗi dậy, cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là vị vua nhân hậu”.

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận