Một vài nhận xét của vua Tự Đức về các bậc tiền nhân

1. Nhận xét về Ngô Quyền.

Ngô Quyền gặp được Ngụy Triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen. Nếu gặp phải tay Trần Bá Tiên mà bảo Ngô Quyền không theo gót Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương thì ít có lắm.

 

2. Nhận xét về Đinh Tiên Hoàng.

Đạo trời ưa kẻ khiêm nhường, đạo người răn người tự mãn. Tiên Hoàng nhà Đinh là người vô học, không có mưu mô gì, chỉ quan giữ tợn kiêu căng, đến nỗi cuối cùng cả hai cha con đều bất đắc kỳ tử, mới được hai đời đã mất! Nhân đức và tàn bạo thật khác hẳn nhau: đáng làm gương chung. Đinh kêu là Vạn Thắng, Tần mong là Vạn Tuế, xe trước xe sau cùng đi một vết, thương thay!

3. Nhận xét về Lê Hoàn.

Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu.

 

4. Về việc nhà Lý thế ngôi nhà Lê.

Nhà Lý được nước, cũng không chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngọa Triệu lòng người lìa tan, dân sinh vô chủ, không về với Công Uẩn còn biết theo ai? Cho nên nhà Lý dường như được người tựa, trời theo; nhà Lê thì rõ là thoán đoạt. Còn việc làm của hai nhà ấy, đằng nhân nghĩa, đằng bạo ngược, rõ rệt khác nhau; mà các vua kế tự, bên hiền tài, bên hư hỏng, cũng sai biệt hẳn. Vì thế một nhà thì ngắn ngủi, một nhà thì lâu dài: phải lắm!

 

5. Về bầy tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ.

Tôn hiệu phiền phức dài dòng quá lắm! Rất trái với lẽ thường, cũng rất tỏ rõ cái thói bợ đỡ.

 

6. Việc vua Lý Thái Tông bắt các quan phải thề ở Đông Cổ.

Đế vương đã có mạng trời sắp đặt, bách thần cũng phải đem hết anh linh ra giúp đỡ. Việc biến loạn ở triều Lý nếu bảo rằng Thái Tử nhân chiêm bao mà biết trước,thì sao khi đã vào đến cung điện mới nghe tin biết động. Vậy việc lập miếu là bậy rồi đến việc hội họp thề nguyền lại càng hỏng hơn nữa.

7. Án Dâm Đàm.

Văn Thịnh do văn học được đỗ đầu, làm quan đến cực phẩm, mà hành vi còn thế thì lòng người lười biếng thế nào được!

8. Về việc quân ta kéo đến Tư Lẫm doanh thuộc Khâm Châu diễu võ dương uy rồi về vào năm 1059.

Vô lý!

9. Về việc vua Lý Thánh Tông chiếu cố tội phạm: ” Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi”.( ĐVSKTT)

Còn dân lành thì sao?

10. Việc Ỷ Lan nhiếp chính lần 1.

Bây giờ há lại không có đại thần để cho ở lại giữ nước hay sao? Mà phải đến đàn bà can dự chính sự, để chuốc lấy tiếng khen! Sử nói không đúng sự thật, đại loại như thế đấy!

11. Việc các vua Lý đánh dẹp.

Tóm lại, đời nhà Lý, những sự gọi là đánh dẹp, ngay như Chiêm Thành tuy là một “nước” chẵng qua cùng hạng với Tiêm La, Cao Miên vậy thôi, còn thì đều là đám Mán Mọi phụ thuộc ở trong nước cũng như là Mán Thạch Bích ngày nay, chứ không phải là hạng nước kiềm địch, hay nước lân bang hùng cường đáng lo ngại gì đâu, thế mà thường cứ khoe khoang rối rít: nào đặt tôn hiệu, nào đổi năm đầu, vua tôi đương thời kể đã hiếu danh và khéo nịnh nhau lắm nhỉ!

 

12. Về việc Hưng Đạo Đại Vương và vua, quan nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lần 2.

Lúc bấy giờ quân Nguyên mới nổi lên,khí thế ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và các tướng văn tướng võ phần nhiều là người tài,mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào.

Nhà Nguyên hai lần đem quân sang xâm lấn, những tướng sai sang đều không phải tướng giỏi, đấy cũng là may cho nhà Trần.

 

13. Việc thả Ô Mã Nhi về nước nhưng giữa đường thuyền bị đắm.

Bất nhân, phi nghĩa.

 

14. Nhận xét về Chu Đệ và Hồ Quý Lý.

Minh Yên Lệ với Hồ Quý Ly cũng chẵng khác gì nhau. Tự thân mình đã không chính trực, dầu có mệnh lệnh cũng không thi hành được. Sao không tự xét mình sao đã? Hai người này đều bọn tham tàn mà thôi.

15. Về việc vua Lê Thánh Tông đánh chiêm.

Trước nói 26 vạn quân đã sai sự thật, ở đây nói 500 chiến thuyền đã là quá đáng huống hồ lại nói những hơn 1000 chiến thuyền và 70 vạn quân, làm sao mà lại nói khoạt không nghĩ đến như vậy?

Chỉ hiếu thắng mà thôi, không phải quân nhân.

Cũng chỉ nói hão.

 

16. Nhận xét về hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.

Luôn luôn có hạn hán, nước to, đói dữ mà đã nói như thế…; lại còn xưng hô với nhau một cách khoe khoang, thật đáng khinh bỉ. Ông vua này không phải chỉ những đạo đức chưa được thuần hậu, độ lượng chưa được rộng rãi mà thôi đâu.

Note: Hội “Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú” xuất hiện trong chính sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sách thời Minh Mạng là Lịch triều hiến chương loại chí không nhắc cái hội này.

 

17. Về việc Thanh Cao Tông ” bao dung ” ngụy Huệ.

Lê Thái Tổ làm việc tòng quyền, Minh Tuyên Tông cũng theo quyền nghi mà xử sự. Đó là vì tình hình lúc bấy giờ có thể có chỗ không thể không xong, việc này không thể theo luận điệu khắc nghiệp của tục nho mà chê trách được. Còn như việc Thanh Cao Tông bao dung ngụy Huệ mới là việc xảo trá, khiêu căng, đáng khinh bỉ.

 

18. Về trận Tốt Động, Bình Định Vương đánh thắng quân Minh 10 phần đông hơn.

Lời lẽ khoe khoang, không đủ tin là chứng cứ sát thực!

 

19. Về việc chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa do vua Quang Trung chỉ huy.

Không phải ngụy Huệ tài cao, quân sĩ ta giỏi mà tại vận nhà Lê đã hết.

 

20. Về việc Lê Uy Mục dâng thụy hiệu cho Huy Gia Thái Hoàng Thái Hậu.

Giấu diếm thế nào được tội ác? Bọn gian giảo lừa dối người ta thường thường như thế đáng chê cười!

 

21. Nhận xét về việc Trịnh Tùng diệt nhà Mạc.

Dựa vào công lao trước của cha, Trịnh Tùng có công rất to mà mang tội cũng nặng lắm. Không làm như vậy thì không đủ để diệt nhà Mạc mà phù Lê được. Mạc tuy diệt rồi nhưng Trịnh lại lù lù ở đó thì cũng lại là một Mạc nữa thôi.

 

22. Về việc vua Lý Thái Tông đặt niên hiệu là Minh Đạo.

Trước đó, nhà Tống đã có niên hiệu là Minh Đạo, có lẽ nào vua Lý không biết mà đặt trùng? Thật đáng khinh bỉ!

 

23. Về việc triều đình thời vua Lý Thái Tông đưa ra kế sách đánh Chiêm 1044.

Khơi gợi cái tính ưu nịnh thật quá lắm!

 

24. Về việc nhà Trần học theo nhà Lý bắt các quan phải thề ở đền Đông Cổ.

Nhà Lý, nhà Trần lấy được nước đều không theo chính nghĩa, nên sợ lòng người không ủng hộ mới phải đến thề nguyền.

 

25. Về việc Lê Lợi lập Trần Cảo.

Lê Lợi tự nhận mình là trượng phụ, cần gì phải làm việc giả dối lập Trần Cảo này.

26. Sông Nhị (sông Phú Lương) có vàng, triều thần dâng biểu chúc mừng 1428.

Tầm bậy!

 

27. Về việc vua Lê Thái Tổ làm bài Huấn Phạm để răn đe Tư Tề và Nguyên Long.

Việc Tống Thái Tổ, nghe theo lời tư vị, gây nên tai họa về sau có gì đáng làm gương mẫu.

 

28. Về việc vua Lê Thái Tông đại xá thiên hạ năm 1465.

Phiếm lạm. Không thiết thực.

 

29. Về việc vua Lê Thánh muốn xem quốc sử.

Lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng giống với Đường Thái Tông nên mới muốn xem quốc sử.

 

30. Về việc vua Lê Thánh Tông xưng tôn hiệu Quốc Hoàng.

Hai chữ “Quốc Hoàng ” rất trái nghĩa và quê mùa. Như thế sao gọi là người sùng thượng văn học được.

 

31. Lê Thánh Tông biết Nguyễn Như Đổ gian giảo nhưng vẫn dùng.

Đã biết người gian xảo sao lại còn dùng.

 

Nguồn:
– Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Viện Sử Học Dịch- nxb Giáo Dục Hà Nội – phần : lời phê.
– Nguyễn Duy Hậu – Gr HỘI YÊU LỊCH SỬ – KHÍ TÀI QUÂN SỰ 

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận