Những đứa trẻ nhà Josiah Trent đã từng chơi những con búp bê cổ quái. Chúng có màu trắng đục, được chạm khắc bằng ngà voi, và thường là một người phụ nữ. Trên mình mỗi con búp bê đều có một cái nắp mở ra được.
Và khi lũ trẻ làm điều đó, những cơ quan nội tạng của bức tượng sẽ hiện ra. Khá kinh dị, bạn có thể thấy tim, phổi, gan, thận, ruột… đôi khi là cả một bào thai.
Josiah Trent là một bác sĩ phẫu thuật từng làm việc tại Đại học Duke. Có lẽ vì không muốn con cái lớn lên bị ám ảnh bởi những bức tượng quái đản ấy, năm 1956, ông đã tặng lại toàn bộ 22 bức tượng ngà giải phẫu của mình lại cho thư viện trường.
Các bức tượng đã được cất giữ kín đáo trong một nhà kho kể từ bấy đến giờ. Và công cuộc nghiên cứu, giải mã bí ẩn về những bức tượng này vẫn còn đang được tiếp tục.
Các nhà khoa học bây giờ vẫn đang tự hỏi: Nguồn gốc của chúng từ đâu? Và chúng được tạo ra nhằm mục đích gì?
Bí ẩn những con búp bê 300 năm tuổi được chạm khắc cả nội tạng bên trong.
Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ (RSNA) ở Chicago, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Duke vừa trình bày những phát hiện mới nhất của họ về bộ sưu tập tượng ngà giải phẫu có niên đại hàng thế kỷ của mình.
Các bức tượng ngà này có kích thước từ 12 đến 24 cm và với cánh tay cử động được. Trên thân chúng có một nắp đậy mở ra được. Phía dưới nắp đó có một khoang trống, chứa các cơ quan nội tạng nhỏ được chạm khắc tinh xảo. Chúng bao gồm tim, phổi, bàng quang, thận, dạ dày và tuyến tuỵ, tất cả có thể tháo rời ra ngoài.
Những tượng ngà hình nhân này có cả nam và nữ, nhưng đa số khắc hoạ những người phụ nữ mang thai, với một bào thai nhỏ cũng được chạm khắc bằng ngà, gắn bên trong tử cung của bức tượng mẹ bằng một sợi dây màu đỏ.
Theo Học viện Y khoa New York, khoảng giữa thế kỷ 16, ở phương Tây có một trào lưu sản xuất những bức tượng hoặc mô hình giải phẫu kỳ lạ. Chúng thường được làm bằng khuôn sáp, chạm khắc từ gỗ hoặc ngà voi.
Những bức tượng ngà giải phẫu cũng có thể trở thành một trào lưu trong khoảng thời gian này. Các nhà khoa học cho biết chúng bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến từ cuối những năm 1600 và đầu những năm 1700.
Các bức tượng bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến từ cuối những năm 1600 và đầu những năm 1700.
Nhưng các nhà sử học hiện tại cũng không biết chính xác mục đích những bức tượng này được làm ra là gì. Họ không tin rằng chúng chỉ là những công cụ giảng dạy y khoa đơn thuần. Bởi trong một số bức tượng, những cơ quan nội tạng quan trọng đã không được chạm khắc.
Có quan điểm cho rằng các bác sĩ trong thế kỷ 17 hoặc 18 đã sử dụng những bức tượng này để giải thích quá trình mang thai và sinh con cho những người phụ nữ. Nhưng Cali Buckley, một nhà sử học nghệ thuật nói rằng, nhiều khả năng, những bức tượng chỉ là đồ sưu tầm.
Chúng được các nam bác sĩ đặt làm hoặc mua lại để thể hiện và phô trương sự giàu có của mình. Tại Đức, có một nhà điêu khắc tên là Stephan Zick cũng chuyên chạm khắc những mô hình giải phẫu tai và nhãn cầu, được làm bằng ngà voi tương tự như vậy.
Trở lại Đại học Duke, các nhà khoa học đang lưu giữ được một bộ sưu tập tượng ngà giải phẫu lớn nhất thế giới. Trong số 180 bức tượng được thống kê nằm rải rác khắp thế giới, riêng Đại học Duke đã sở hữu 22 bức. Chúng được quyên góp vào năm 1956 từ bộ sưu tập tư nhân của bác sĩ phẫu thuật lồng ngực Josiah Trent.
Những bức tượng này rất dễ vỡ và bong tróc, do đó, chúng hiếm khi được trưng bày ra ngoài. Fides R. Schwartz, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa X quang tại Đại học Duke cho biết: “Chúng thường được lưu trữ trong kho thư viện, đôi khi mới được chuyển ra một khu vực trưng bày đặc biệt trong Thư viện Y khoa Duke để du khách chiêm ngưỡng và đánh giá”.
Những bức tượng không đơn giản là công cụ giảng dạy y khoa.
Hai năm trước, các nhà bảo tồn tại đại học Duke đã hợp tác với Cơ sở Chia sẻ Thiết bị Vật liệu (SMiF) để số hoá bộ sưu tập tượng ngà bằng một máy quét micro-CT. Mục tiêu là lưu trữ lại các bức tượng dễ vỡ nhất dưới dạng kỹ thuật số, cũng như tạo ra các bản sao in 3D của chúng để phục vụ trưng bày.
Quá trình quét micro-CT sử dụng tia X để tạo ra ảnh quét 3D phân giải cao của các bức tượng. Các nhà nghiên cứu tự hào rằng phương pháp quét của họ cho độ phân giải cao hơn đáng kể so với các công nghệ quét CT tiêu chuẩn.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã cẩn thận bọc từng cơ quan nội tạng của những bức tượng bằng khăn giấy hoặc miếng bọc bong bóng (cả hai đều không thể chặn được tia X), trước khi đưa chúng trở lại thân bức tượng. Tất cả cánh tay của từng bức tượng cũng được bọc đệm mút để giữ cho chúng không bị dịch chuyển trong quá trình quét.
Sau đó, mỗi bức tượng sẽ được đặt trên một bệ quay tròn, trong khi máy quét bắn hàng ngàn tia X từ mọi góc độ có thể vào nó. Tín hiệu X-quang thu về sẽ được dựng lại thành các lát (mặt cắt 2D), và sau đó xếp chồng lên nhau để tạo ra hình ảnh 3D cuối cùng.
Ảnh quét micro-CT sẽ tiết lộ cấu trúc và vật liệu được sử dụng để làm ra các bức tượng.
Schwartz đã gia nhập nhóm nghiên cứu tại Duke vào năm ngoái và bị thu hút bởi dự án số hoá.
“Những bức tượng này từng thuộc sở hữu của một gia đình và lũ trẻ trong gia đình đó đã chơi với chúng trước khi tặng lại cho Đại học Duke”, cô nói. “Vì vậy, có một số khả năng xảy ra, không rõ các cơ quan nội tạng của từng bức tượng có thuộc về chính chúng hay không. Tôi có thể xác định được mọi thứ và chắc chắn rằng đó là nơi chúng đáng lẽ phải thuộc về”.
Schwartz cũng tin rằng công việc có thể tiết lộ thêm thông tin về vật liệu được sử dụng để làm nên những bức tượng. Liệu chúng có hoàn toàn được chạm khắc bằng ngà voi, hay còn có loại ngà nào khác được pha trộn?
Việc quét CT đã hiển thị chi tiết những cấu trúc vi mô của vật liệu, do đó, có thể cho biết sự khác biệt giữa ngà thật (lấy từ ngà voi hoặc voi ma mút) và các vật liệu rẻ tiền hơn như nhung hươu hoặc xương cá voi.
Từ kết quả phân tích các cấu trúc vi mô của bộ sưu tập tượng giải phẫu, Schwartz và các đồng nghiệp phát hiện 20 trong số 22 bức tượng thực sự được chạm khắc từ ngà voi thật, một vật liệu đắt tiền ở cuối thế kỷ 17.
Nhưng trong đó, có một bức được chạm khắc từ gạc hươu, và một bức khác trộn lẫn xương cá voi. Một số bức tượng có dấu hiệu đã được sửa chữa: có bằng chứng về các đinh ghim và ốc vít bên trong chúng, và một số bức tượng có tay chân rời ra đã được gắn lại bằng các miếng kim loại.
Nguồn gốc của chúng từ đâu? Và chúng được tạo ra nhằm mục đích gì?
Theo Schwartz, những thông tin mới có được từ việc quét X-quang sẽ làm sáng tỏ ngà voi được sử dụng để khắc những bức tượng đến từ đâu. Vào khoảng thế kỷ 17, các tuyến thương mại buôn bán ngà voi chủ yếu xuất phát từ Châu Phi.
Tại Đức, quốc gia này chỉ có thể tiếp cận với nguồn ngà voi trong khoảng từ năm 1650 đến 1700. Vì vậy, rất có thể đây là khoảng thời gian những bức tượng được sản xuất.
Để tìm hiểu thêm những bí ẩn về tượng ngà giải phẫu, Schwartz hy vọng trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ thuyết phục được chủ sở hữu của các bức tượng khác trên thế giới, cho phép họ quét mô hình và xác định cấu trúc vật liệu để đối chiếu.
Trong quá trình này, các mô hình 3D mà Đại học Duke xây dựng dựa trên những bức tượng nguyên mẫu cũng sẽ được phát hành trực tuyến và miễn phí. Bất cứ ai sở hữu một máy in 3D tại nhà cũng có thể tải chúng về để tự chế tạo ra những bức tượng giải phẫu theo phong cách của thế kỷ 17.
Tham khảo: Arstechnica