Chuỗi ngày Lưu vong trên đất Xiêm La của Hoàng đế Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh

?Những điều Chưa kể về chuỗi ngày Lưu vong trên đất Xiêm La của Hoàng đế Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh và những Sinh hoạt thường nhật của nhà vua An Nam

The Untold story about the days in Siam of Emperor Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh and The daily activities of the king of Annam ?

Sau 2 lần thất bại, vua Xiêm cho chúa Nguyễn và những người theo ông định cư tại phía nam huyện Tonsamrong – Ta gọi là Long Kỳ, ngoại thành Bangkok và trợ cấp một khoản tiền là 5 chang ~ 400 bath hàng năm. Vua Xiêm cũng tặng cho Nguyễn Ánh 1 khay trầu, 1 bình nước bằng vàng, 1 thanh kiếm có khảm vàng và 1 lọng che cán ngắn. Ðây cũng là những gì mà Nặc Ông Eng – Một ông hoàng Chân Lạp khi đó đang được nuôi dưỡng tại Bangkok được hưởng.

 

Nói chung, chúa Nguyễn được triều đình Xiêm đối xử như một Hoàng tử thuộc quốc lưu lạc trên đất nước họ theo nghi lễ bình thường. Ðiều đó cũng dễ hiểu vì chúa Nguyễn lúc này không có đất mà cũng chẳng có dân, chỉ có một đội quân đi theo tương đối ít ỏi, tương lai còn bấp bênh hơn Nặc Ông Eng.

Về sinh hoạt thường ngày, Nguyễn Ánh cũng được lâm triều như một quan lại, di chuyển bằng một chiếc thuyền kiểu Việt Nam có sáu tay chèo và vài tùy tòng đứng cầm lọng. Sử Xiêm La cũng viết thêm là trong triều đình, chúa Nguyễn được xếp tại một sảnh phía tây Điện Amarintharaphisek, ngay trước Tổng quản Ngự lâm quân. Ông được phép ngồi xếp bằng theo kiểu người Việt, có một thông ngôn là Phra Ratchamontri đi theo.

Theo một bức tranh của Thái Lan vẽ cảnh chúa Nguyễn hội kiến với vua Rama I trong Điện Amarin năm 1782 còn lưu trữ trong văn khố hoàng gia Xiêm ta thấy miêu tả không sai. Tất cả các quan Xiêm La quỳ mọp chắp tay theo nghi thức của họ còn Nguyễn Ánh mặc y phục và đóng khăn kiểu Việt Nam, ngồi xếp bằng ngay trước ngai vàng, đối diện với vua Xiêm.

Mẹ và những thân quyến chúa Nguyễn cũng được hưởng một số bổng nhất định. Riêng những người đi theo Nguyễn Ánh thì được phép dong thuyền ra biển đánh cá mưu sinh mà không bị các tàu thuế quan ngăn trở. Sử Xiêm La cũng ghi lại rằng chúa Nguyễn còn huấn luyện cho vũ công Xiêm một số điệu múa cung đình của người Việt mà những vũ điệu vẫn tiếp tục cho đến mãi về sau.

Cũng thời gian đó, ông tiếp tục việc chiêu mộ binh lính, đóng chiến thuyền và ngầm liên lạc với trong nước để tìm đường khôi phục. Một số tàn dư của chúa Nguyễn nổi lên chống lại Tây Sơn nhưng sức yếu nên hoàn toàn không đạt được kết quả gì đáng kể.

 

 

Cứ theo sử Việt Nam thì vua Xiêm “Đối với Nguyễn Ánh dẫu tình lễ có trung hậu hơn nhưng sự thực là giữ lại đó mà thôi. Vua thầm tính trong lòng, biết rốt cuộc họ không thể giúp mình được, túng sử có giúp cũng vô ích…”

Việc này phù hợp với sử Xiêm La nhưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó tình hình thực tế của chính người Thái khiến họ không thể làm gì hơn và cũng e ngại một khi chúa Nguyễn phục quốc rồi thì trở thành một đối thủ cạnh tranh kịch liệt với họ ở phía đông. Trong hoàn cảnh một vương tử thất thế, lực lượng đơn bạc, Nguyễn Ánh cố gắng vận động nhiều nơi nhưng đều gặp trở ngại.

Theo ngoại sử, có lần Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ đã viết thư sang Xiêm yêu cầu vua Xiêm phải bắt Nguyễn Ánh để nạp cho Tây Sơn, về sau Nguyễn Huệ cũng yêu cầu như thế. Nhưng vì lời lẽ trịch thượng khiến cho triều đình Bangkok thêm bất bình và càng ủng hộ chúa Nguyễn.

Trong tình hình lưu vong, chúa Nguyễn hết sức tìm cách lấy lòng vua Xiêm, có lẽ sợ lộ chuyện gửi hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Tuy vua Rama I thông cảm với hoàn cảnh chúa Nguyễn nhưng vua em thì lại không bằng lòng và dường như muốn tìm cách triệt hạ nhóm người Việt.

Chuyện đó cũng dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng nước Xiêm vẫn là một quốc gia đa chủng, chính anh em Rama I cũng lai người Hoa và không phải chỉ một lần những nhóm người ngoại quốc cư ngụ tại Bangkok tìm cách lật đổ triều đình Xiêm.

Việc đó dẫn đến chuyện vua tôi Nguyễn Ánh tham gia vào trận đánh Miến Ðiện ở Thavoi không biết như một hình thức khổ nhục kế để che mắt hay bị vua Xiêm bắt phải đi theo như một nghĩa vụ thuộc quốc để phòng xa việc ông có thể nhân cơ hội kinh thành bỏ trống mà nổi loạn.

Theo Đại Nam Thực Lục – 大南寔錄 do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn:

Mùa xuân tháng Giêng năm Bính Ngọ – 1786, vua trú ở tại Vọng Các. Vào tháng hai, Miến Ðiện theo 3 đường tiến binh xâm lấn đất Sài Nặc nước Xiêm. Vua Xiêm tự đem quân chống cự, xin vua ta giúp kế hoạch. Vua ta nói: “Miến Ðiện cất quân từ xa lại, chở lương đi hàng nghìn dặm, kể đã mệt rồi. Tôi xin giúp sức, đánh nhanh chóng hẳn được!”. Vua Xiêm đồng ý tiến binh ngay.

Vua ta tự đem quân của mình trợ chiến, sai Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng súng phun lửa để đánh. Quân Miến Ðiện sợ chạy, chết không kể xiết, bị bắt 500 người. Vua Xiêm thán phục, trở về đem vàng lụa đến tạ, lại muốn giúp quân cho vua ta thu phục Gia Ðịnh.

Vua họp các tướng bàn, Nguyễn Văn Thành tâu rằng: “Vua Thiếu Khang chỉ có một mình còn dựng được cơ nghiệp nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc còn có thể làm được. Chứ nếu mượn người ngoài giúp, đưa di địch vào trong tâm phúc thì sợ để lo về sau. Không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn”. Vua khen phải, việc bèn thôi…


Tham khảo – Reference:
[1] Klaus Wenk
[2] David K. Wyatt
[3] Royal Siamese Maps – Trang 27
[4] Sử Ký Ðại Nam Việt – Trang 29 – 30
[5] The Dynastic Chronicles, The First Reign, quyển I – Trang 35 – 36 – 120
[6] Đại Nam Thực Lục – 大南寔錄, tập Một, đệ Nhất kỷ, quyển II – Trang 225 – 228
[7] A Short History – New Haven and London: Yale University Press, 1984 – Trang 149 – 451

 

 

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận