Chúng tôi đã tiến hành khảo cứu và tổng hợp những bằng chứng để chứng minh về sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt trong nhiều bài viết [1][2][3], các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, nhân chủng, văn hóa, lịch sử đều cho chúng ta thấy tộc Việt là một cộng đồng có sự thống nhất cao độ, có cùng một nguồn gốc, phát triển và hòa huyết với nhau trong một cộng đồng chung trong thời gian rất dài, từ những thông tin được chúng tôi cung cấp, người Việt đang dần dần có một góc nhìn mới về nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt, có đủ cơ sở thực tiễn để nhận định về cộng đồng này một cách khách quan và chân thực hơn.
Dưới những ảnh hưởng của khái niệm “Bách Việt”, thường được nhiều người dịch và hiểu theo nghĩa đen là “100 tộc Việt”, người Việt đã hiểu nhầm không ít về cộng đồng tộc Việt, bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng khái niệm Việt được xem là do người Hoa Hạ đặt ra, là một từ được họ sử dụng để chỉ chung những nhóm dân cư không có liên hệ gì với nhau trong vùng phía Nam địa bàn sinh sống của họ, đây cũng là tư tưởng có những ảnh hưởng phổ biến về tộc Việt. Tuy nhiên, như chúng tôi đã chứng minh, tên “Việt” là do người Việt tự nhận [4], không phải do người Hoa Hạ đặt cho người Việt, cộng đồng này trong các nghiên cứu khoa học cũng có nhiều cơ sở thống nhất hơn là không có liên hệ gì với nhau.
Về nội dung mà chúng tôi muốn hướng tới, thì như tiêu đề bài viết đã nêu rõ, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu về nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên”, hay cũng chính là về nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt (Bách Việt) trong lịch sử. Có lẽ không nhiều người Việt chú ý tới, nhưng những ghi chép và lưu truyền của người Việt đều cho thấy dân tộc Việt ngày nay không những có mối liên hệ, mà còn có mối liên kết rất chặt chẽ, cùng tách ra từ một gốc với Bách Việt. Cả cộng đồng tộc Việt (Bách Việt) là hậu duệ của họ Hồng Bàng, đều là hậu duệ dòng giống Rồng Tiên. Tuy Tổ Tiên đã ghi chép rõ, nhưng không ít người đã vội vàng phủ nhận sạch trơn những ghi chép đó, cho rằng người Việt đề cập tới một quốc gia bao trùm các vùng tộc Việt là không có cơ sở, cho rằng Bách Việt không liên quan gì tới người Việt tại Việt Nam, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Tổ Tiên chúng ta lại lưu truyền về quốc gia Văn Lang, về thời kỳ Hùng Vương của dân tộc, lại nhắc tới việc Cha Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là biểu trưng cho sự hình thành cộng đồng tộc Việt (Bách Việt). Từng bước, chúng tôi sẽ tìm hiểu về truyện họ Hồng Bàng và sự hình thành cộng đồng tộc Việt theo các tài liệu khảo cổ, ngôn ngữ, để từ đó có thể thấy được một cội nguồn chung của cộng đồng tộc Việt đồng nhất với truyền thuyết họ Hồng Bàng.
I. Nguồn gốc cộng đồng tộc Việt và sự hình thành ý thức Việt:
1. Nguồn gốc cộng đồng tộc Việt:
Cư dân tộc Việt vùng Dương Tử hình thành có hai nguồn gốc chính, đó là cư dân Nam Á bản địa vùng Dương Tử [5], và cư dân Nam Đảo, Tai-Kadai từ vùng bắc Đông Á di cư xuống vùng Dương Tử khoảng 6000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [6][7]. Cư dân tộc Việt đều có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á di cư lên, dòng di cư từ Đông Nam Á lên phía Bắc vào khoảng 12000 năm trước đã được các nghiên cứu di truyền xác định. [8][9][10][11]
Cư dân Nam Á và Nam Đảo – Tai-Kadai cùng có nguồn gốc từ Đông Nam Á di cư lên, nhưng nhiều khả năng, họ di cư theo hai con đường khác nhau, ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc từ Đông Nam Á di cư lên vùng Dương Tử, có đặc trưng haplogroup O2a, còn tổ tiên người Nam Đảo – Tai-Kadai đi theo một con đường khác, lên vùng Sơn Đông để hình thành các văn hóa, bộ gen và ngôn ngữ tại đây, với đặc trưng haplogroup O1. [12]
Sự di cư của cư dân cổ mang haplogroup O của nhiễm sắc thể Y ở Đông Á. Các đường đứt đoạn đại diện cho các tuyến đường di chuyển thay thế. [12]
Đây là nguyên nhân khiến cho di truyền của người Nam Á bản địa Dương Tử và người Nam Đảo – Tai-Kadai bản địa vùng Sơn Đông lại có sự khác biệt lớn như vậy trong thời kỳ đầu hình thành, mặc dù đều cùng từ Đông Nam Á di cư lên. Cư dân Nam Đảo – Tai-Kadai sau đó đã di cư về vùng Dương Tử, tại đây, cộng đồng tộc Việt đã hình thành văn hóa Lương Chử, với nhà nước và ý thức dân tộc Việt đã hình thành tại văn hóa này. Sau đó, trung tâm được chuyển về văn hóa Thạch Gia Hà, tại đây cũng đã hình thành một tổ chức nhà nước phát triển.
Văn hóa Lương Chử đã được các nhà khảo cổ chứng minh có tổ chức nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á [13][14], với niên đại khoảng 5300 năm trước, tại văn hóa Thạch Gia Hà, thì văn hóa Thạch Gia Hà có thể được coi như một nhà nước cổ đại với tổ chức xã hội tương đối tiên tiến của nó [15][16][17]. Các học giả Trung Quốc cho rằng các văn hóa trong vùng Dương Tử như Thạch Gia Hà hay trước đó là Lương Chử phức tạp hơn về mặt xã hội và phát triển hơn so với các văn hóa cùng thời ở vùng bắc Đông Á. [15]
Tên gọi Việt, ý thức dân tộc và quốc gia của người Việt cũng đã hình thành trong văn hóa Lương Chử. Tên Việt được hình thành từ hình ảnh chiếc rìu, có nguồn gốc đại diện cho tộc người sử dụng rìu lễ khí, và nghĩa bóng là vượt qua như nghĩa mà chúng ta ngày nay vẫn sử dụng.
Trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 ký hiệu khắc trên thân của chiếc bình, tạo thành một câu hoàn chỉnh, thể hiện rõ ý thức về nguồn gốc và tổ chức quốc gia của cộng đồng tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [18], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt.
4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [18]
Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]
Tên gọi Việt bắt nguồn từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Lương Chử, tới thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng trung lưu Dương Tử, đã phát triển lên thành hình ảnh thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu, đây là đại diện cho ý thức Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà.
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu trên chum gốm văn hóa Thạch Gia Hà. [19]
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu biểu trưng cho tên gọi Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà tiếp tục được người Việt kế thừa trong văn hóa Đông Sơn, với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn.
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu và đội mũ lông chim tương tự như văn hóa Thạch Gia Hà xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn. Hoa văn trên là ở trống đồng Ngọc Lũ. [20]
Cộng đồng tộc Việt hình thành nhà nước và ý thức dân tộc tại văn hóa Lương Chử theo các bằng chứng khảo cổ. Theo các nghiên cứu ngôn ngữ học, thì cộng đồng tộc Việt khi thành bao gồm các hệ ngữ: Nam Á, Tai-Kadai và có thể là cả Nam Đảo, Hmong-Mien. [21][22][23]. Tuy nhiên thì người Nam Đảo sau đó lại tiếp tục di cư sang vùng đảo Đài Loan và xuống Đông Nam Á [6][7], nên họ chỉ sinh sống trong cộng đồng tộc Việt trong một thời gian rất ngắn, hai hệ ngữ chính của cộng đồng tộc Việt xuyên suốt lịch sử là ngữ hệ Nam Á và Tai-Kadai, bên cạnh đó có thể có cả dân tộc Dao thuộc hệ ngữ Hmong-Mien cũng thuộc cộng đồng tộc Việt. [24]
Đây là nguồn gốc cơ bản của cộng đồng tộc Việt, chúng ta thấy được rằng, cộng đồng tộc Việt trong thời điểm này, chỉ sinh sống ở trong vùng Dương Tử, chưa diễn ra cuộc di cư về phía Nam (Đông Nam Á lục địa và hải đảo), phải tới 4000 năm trước, thì cộng đồng tộc Việt mới tan rã, di cư ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo [25][26], tuy nhiên, tộc Việt vẫn tiếp tục tồn tại trong một quốc gia chung, từ một nguồn gốc chung đã có trong vùng Dương Tử, cho tới tận thời kỳ văn hóa Đông Sơn, hay sau đó đã có những ghi chép về văn hóa, phong tục của cộng đồng tộc Việt, đều cho chúng ta thấy được sự thống nhất.
Các hệ ngữ đã di cư phân tán ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo: ngữ hệ Nam Á xuống vùng Đông Nam Á lục địa và ngữ hệ Nam Đảo sang vùng Đông Nam Á hải đảo. Ngữ hệ Tai-Kadai vào thời Đường sau đó mới di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa từ Vân Nam. [27]
II. Truyện họ Hồng Bàng, cội nguồn Rồng – Tiên và nguồn gốc tộc Việt:
Về truyện họ Hồng Bàng và cơ sở thực tế của nó với các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, chúng tôi đã thực hiện chứng minh trong các bài viết khác [28][29][30], những cơ sở khảo cứu này đã cho thấy truyện họ Hồng Bàng chính xác và rất chân thực với các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc dân tộc, vì vậy, đây sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể hiểu thêm về nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
1. Bối cảnh và không gian truyện họ Hồng Bàng:
Từ không gian hình thành tộc Việt với trung tâm ban đầu là vùng Dương Tử đã được chúng tôi xác định ở trên, chúng ta tiếp tục đi tìm hiểu về không gian diễn ra của truyện họ Hồng Bàng, mở rộng so sánh thêm một số yếu tố để có thể thấy được không gian của cộng đồng tộc Việt và không gian của truyện họ Hồng Bàng là thống nhất với nhau.
Truyện họ Hồng Bàng, xét về bối cảnh câu chuyện, các nhân vật được nhắc tới trong truyện, thì rõ ràng đây không phải là một câu chuyện chỉ nói riêng về nguồn gốc của người Việt. Không gian trong câu chuyện gợi ý cho chúng ta rất rõ nơi nó diễn ra.
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” [31]
Viêm Đế họ Thần Nông là vị Tổ của người Việt, ông là nhân vật có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á (khi ấy chưa xuất hiện tộc người Hoa Hạ, đây là vùng đất sinh sống của cư dân tiền thân tộc Việt), ông là Tổ của cả cư dân vùng Dương Tử lẫn cư dân vùng bắc Đông Á. Hậu duệ ba đời của ông là Đế Minh, Đế Minh sinh ra Đế Nghi và Lộc Tục, ban cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, Kinh Dương Vương làm vua phương nam.
Về thành phần tên gọi của Kinh Dương Vương, thì đây có nghĩa là vị vua làm chủ hai vùng châu Kinh và châu Dương, châu Kinh là vùng trung lưu Dương Tử, châu Dương là vùng hạ lưu Dương Tử, đây là cách gọi mà các triều đại Hoa Hạ sau này tiếp tục kế thừa, sử dụng để chỉ hai vùng đất này, cho thấy không gian nước Xích Quỷ thời kỳ đầu chỉ bao gồm hai vùng là châu Kinh và châu Dương, chứ chưa bao gồm vùng đất phía Nam. Hồ Động Đình cũng là một chi tiết rất quan trọng cho chúng ta thấy được không gian diễn ra truyện của họ Hồng Bàng.
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân.”. [31]
Như vậy, thì chúng ta đã thấy rất rõ ràng được không gian diễn ra của truyện họ Hồng Bàng là trong vùng Dương Tử, với hai địa bàn chính là vùng trung lưu (châu Kinh) và hạ lưu (châu Dương) sông Dương Tử. Đây cũng chính là nguồn gốc hình thành nên cộng đồng tộc Việt, trung tâm ban đầu tập trung ở văn hóa Lương Chử, sau đó, trung tâm chính trị đã được chuyển về văn hóa Thạch Gia Hà, cũng chính là vùng Động Đình, nơi mà Kinh Dương Vương đã cưới vua Động Đình là Long Nữ.
Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm hay Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân rồi ông ra đi, không ai biết là đi đâu. Cộng đồng tộc Việt được hình thành khi Cha Lạc Long Quân gặp Mẹ Âu Cơ, Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trứng, bọc trứng sinh ra trăm người con. Đây là một chi tiết có tính triết lý, biểu trưng cho sự hình thành của cộng đồng tộc Việt.
Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.” [31]
Sách Lĩnh Nam chích quái cũng đề cập tới chi tiết cốt lõi là bọc trăm trứng, nhưng lại cho bọc trăm trứng là điềm không hay, nhưng phiên bản được truyền trong dân gian lại thể hiện một nhận định khác, cho rằng đó là điềm lành: “Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.” [32]
Chi tiết này biểu trưng cho một triết lý rất quan trọng: tất cả người Việt đều được sinh từ một bọc, là đồng bào, sinh cùng một lúc, mang cả tính âm của Mẹ và tính dương của Cha, dầu có nguồn gốc khác nhau, nhưng đều cùng một dòng giống Rồng – Tiên. Đây là một biểu trưng thể hiện biểu hiện sự đoàn kết và thống nhất dưới một nguồn gốc chung của các nhóm dân có nguồn gốc khác nhau khi cộng đồng tộc Việt bắt đầu hình thành: cư dân ngữ hệ Nam Á trong vùng Dương Tử, và cư dân Tai-Kadai, Nam Đảo trong vùng bắc Đông Á di cư xuống như chúng tôi đã phân tích ở trên.
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [31]
Có các chi tiết rất quan trọng trong câu nói của Cha Lạc Long Quân: “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất“, “tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc” [31], có thể thấy rằng, Long Quân thuộc dòng dõi Rồng, Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên, đây chính là loài Rồng và loài Tiên trong văn hóa Đông Á cổ đại [33][34], được người Việt kế thừa trong văn hóa Thạch Gia Hà, với những miếng ngọc Rồng và ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) đã được tìm thấy.
Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]
Vùng Dương Tử chính là nơi hình thành tộc Việt, cũng chính là nơi hình thành ý thức Tiên – Rồng về nguồn gốc dân tộc, ý thức về sự thống nhất cao độ, đều được sinh ra từ cùng một bọc, mang cả tính âm của Mẹ và tính dương của Cha. Trong truyện họ Hồng Bàng ở sách Lĩnh Nam chích quái và cả Kỷ Hồng Bàng Thị trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, đều chép rõ trăm người con trai là Tổ của Bách Việt, hay rõ hơn “Bách Nam”, hay chính là người Việt tại vùng miền Bắc Việt Nam là thủy tổ của Bách Việt.
Bách Việt chung một cội nguồn, đó là những điều mà các sách, và các câu chuyện cổ của người Việt đã nhắc tới: trong các truyện họ Hồng Bàng chép rõ: “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”, hay trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.“. [35] Như vậy, thì các ghi chép cổ của người Việt đều xác định rằng họ Hồng Bàng là Tổ Tiên của chung cộng đồng tộc Việt, chứ không chỉ riêng người Việt. Trong kho tàng thi ca dân gian của người Việt, cũng lưu lại một câu ca dao nhắc tới đầy đủ những yếu tố về nguồn gốc tộc Việt: Động Đình (trung lưu Dương Tử), Tiền Đường (hạ lưu Dương Tử), con Rồng cháu Tiên. Sự hình thành tộc Việt trong vùng Dương Tử cũng chính là sự hình thành ý thức con Rồng cháu Tiên.
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.
Từ đây, cơ sở là rất vững chắc để chúng ta thấy được sự hình thành tộc Việt cũng chính là sự hình thành họ Hồng Bàng, tộc Việt là hậu duệ trực tiếp của họ Hồng Bàng, ban đầu không gian sinh sống là trong vùng Dương Tử, nhưng sau đó địa bàn giãn theo dòng di cư của cư dân tộc Việt về phía Nam theo các nghiên cứu di truyền, từ 4000 năm trở về sau, thì lãnh thổ của đất Việt mới bao gồm vùng lãnh thổ từ Dương Tử tới Việt Nam. 50 người con theo mẹ về Phong Châu, cũng chính là tầng lớp tinh hoa của cộng đồng tộc Việt, hậu duệ trực tiếp của các nhân vật trong truyện họ Hồng Bàng, nên truyện họ Hồng Bàng mới chép rằng: “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”. Những ghi chép lịch sử Trung Hoa cũng củng cố thêm về nguồn gốc chung của cộng đồng tộc Việt.
Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]
Dựa trên sự phân tích của Thần Toản và ghi chép của Hán Thư, thì vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc và miền Trung Việt Nam đều là đất của người Việt, có sự xuất hiện người Việt ở khắp mọi nơi.
Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”
Qua đoạn trích từ sách Thông Điển, chúng ta nhận diện được hai thông tin quan trọng: thứ nhất là ở vùng phía Nam Dương Tử, từ Cối Kê tới Giao Chỉ, là nơi sinh sống của người Bách Việt. Thứ hai, là người Bách Việt có một quốc gia chung, ngang với thời Đường – Ngu, tức khoảng hơn 4000 năm trước. Vào trước thời điểm 4000 năm, thì tộc Việt vẫn sinh sống chủ yếu trong vùng Dương Tử, điều này cũng có nghĩa quốc gia của người Việt phải tương ứng với không gian từ vùng Dương Tử trở về Nam, chứ không phải từ Ngũ Lĩnh, phải tới khi diễn ra cuộc di cư về phía Nam vào thời điểm 4000 năm trước, thì không gian mới giãn theo vùng di cư của tộc Việt là tới miền Bắc Việt Nam. Sau đó, các ghi chép của Trung Quốc đều cho thấy sự phân bố của cộng đồng tộc Việt là từ Cối Kê (hạ lưu Dương Tử) hay Cửu Nghi (trung lưu Dương Tử), phong tục, tập quán từ vùng Dương Tử về phía Nam đều giống nhau, mà đa số là dân “Lang Việt” như ghi chép của Tư Mã Thiên.
Trong phần Hóa thực liệt truyện, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chép: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。- ”Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân “Lang Việt”. [36]
Như vậy, địa bàn sinh sống của cộng đồng tộc Việt cũng chính là địa bàn của quốc gia Văn Lang, người Việt đều có nguồn gốc chung là từ vùng Dương Tử, là những đứa con của Cha Rồng Mẹ Tiên, là hậu duệ của họ Hồng Bàng. Các ghi chép lịch sử Trung Quốc cũng đã trực tiếp xác minh về sự thống nhất về văn hóa, phong tục, và họ cũng tồn tại trong một quốc gia chung, nó đồng nhất với quốc gia Văn Lang được chép lại trong truyện họ Hồng Bàng.
2. Văn hóa Tiên Rồng trong các truyền thuyết của người Mường, người Thái:
Người Mường và người Thái là hai tộc người có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, trong đó người Mường có nguồn gốc chung với người Việt, tách ra muộn trong lịch sử, người Thái có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong vùng nam Đông Á, tới thời nhà Đường về sau bắt đầu di cư về các vùng phía Nam. Các dân tộc này hiện vẫn giữ những truyền thuyết có sự tương đồng với truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, cũng với ý thức về Tiên – Rồng hay hai nhân vật đối lập làm nên nguồn gốc của dân tộc họ.
Trong truyền thuyết của người Mường, thì người Mường vốn là hậu duệ của nàng công chúa Hươu sao: Ngu Cơ, với chàng hoàng tử Cá chép: Lương Vương con vua Yịt (Việt). Cuộc hôn phối huyền thoại của mẹ Hươu và bố Cá, giống ở cạn/núi và giống ở thấp/nước, có kết quả là 100 người con. Huyền thoại Mường ghi nhận, bất hòa đã nổ ra, nàng Hươu sao và chàng Cá thường xuyên cãi vã, cuối cùng, đường ai nấy đi. Nàng Hươu sao dẫn 50 con lên miền núi đồi khai sinh dòng vua áo đen, còn chàng Cá đem 50 con về miền cửa sông khai sinh dòng vua áo vàng. [37][38]
Về truyền thuyết của người Thái, thì họ cho rằng dân tộc mình là sự kết hợp của chim én – loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ). Cầm Trọng nhấn mạnh, đây là motif hoàn toàn thống nhất với truyện họ Hồng Bàng, vì cơ bản, nguyên lý của nó là biểu tượng của hai thị tộc lưỡng hợp. Khi đã lưỡng hợp thì trai bên rắn lấy gái bên tiên (như Việt), và có thể diễn ra tiến trình ngược lại (như Thái). [37][39]
Như vậy, không chỉ người Việt, mà một số dân tộc khác trong cộng đồng tộc Việt vẫn giữ được truyền thuyết về cội nguồn Tiên – Rồng của tộc Việt, nó cũng chứng minh ý thức Tiên Rồng, hay truyện họ Hồng Bàng, chính là câu chuyện biểu trưng cho nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt, chứ không chỉ riêng người Việt.
III. Kết luận:
Từ những cơ sở khảo cứu, đối chiếu và phân tích dựa trên nhiều bằng chứng mà chúng tôi đã thực hiện, chúng ta có thể thấy được rằng truyện họ Hồng Bàng chính là câu chuyện chép lại về sự hình thành của cộng đồng tộc Việt, tộc Việt chính là hậu duệ của họ Hồng Bàng, đều là “con Rồng cháu Tiên”, hiện một số dân tộc vẫn lưu giữ được ý thức văn hóa này của tộc Việt trong lịch sử.
Người Việt là dân tộc kế thừa chính thống nhất của họ Hồng Bàng và cả cộng đồng tộc Việt, nên họ đã giữ truyền thuyết ghi lại đầy đủ cội nguồn tộc Việt này trong hàng nghìn năm lịch sử, cũng như là dân tộc duy nhất còn thờ tự, hương khói đầy đủ cho các vị Tiên Tổ được chép trong truyện họ Hồng Bàng [29]. Người Việt và người Bách Việt, do vậy, là một cộng đồng thống nhất, có chung một nguồn gốc, tồn tại dưới chung một quốc gia, không phải những tộc người không có sự liên hệ như nhiều quan điểm đã đề xuất.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/
[2] Lang Linh (2021), Phân tích về di truyền của cộng đồng tộc Việt https://luocsutocviet.com/2021/10/12/556-phan-tich-ve-di-truyen-cua-cong-dong-toc-viet/
[3] Lang Linh (2020), Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á https://luocsutocviet.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/
[4] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/
[5] Lang Linh (2021), Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử https://luocsutocviet.com/2021/09/28/552-ngu-he-nam-a-va-nen-van-minh-song-duong-tu/
[6] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China
[7] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003
[8] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
[9] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
[10] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.
[11] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
[12] Wang, Chuan-Chao, and Hui Li. “Inferring human history in East Asia from Y chromosomes.” Investigative genetics vol. 4,1 11. 3 Jun. 2013, doi:10.1186/2041-2223-4-11
[13] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD
[14] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.
[15] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives, 47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004
[16] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
[17] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
[18] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
[19] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
[20] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[21] LaPolla FAHA, Randy. (2010). Language Contact and Language Change in the History of the Sinitic Languages. Procedia – Social and Behavioral Sciences. 2. 6858-6868. 10.1016/j.sbspro.2010.05.036.
[22] Lee H-YH and Clontz J . 2012. Reviewing the prehistoric linguistic relationships of the Tai—Kadai language family and its putative linguistic affiliations: a meta—analysis study and abbreviation edition Abstract. Journal of Liberal Arts Prince of Songkla University 4(1):20–38.
[23] Delancey, Scott. “The origins of Sinitic.” (2013).
[24] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/
[25] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[26] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92
[27] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.
[28] Lang Linh (2021), Hồng Bàng thị có phải ‘truyền thống được kiến tạo’ hay không? https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/
[29] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/
[30] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/
[31] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[32] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.
[33] Lang Linh (2021), Hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Á Đông.
https://luocsutocviet.com/2021/06/15/538-hinh-tuong-rong-trong-van-hoa-co-a-dong/
[34] Lang Linh (2021), Đi tìm một nửa Tiên Rồng: nguồn gốc chim Tiên.
https://luocsutocviet.com/2021/05/28/535-di-tim-mot-nua-tien-rong-nguon-goc-chim-tien/
[35] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển I – Kỷ Hồng Bàng thị, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[36] Phan Anh Dũng (2020), Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử
vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su
[37] Nguyễn Mạnh Tiến, Con Rồng cháu Tiên: huyền thoại Mường – Việt – Thái. Tạp chí Sông Hương, 376/06-2020.
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n29307/Con-rong-chau-tien-huyen-thoai-Viet-Muong-Thai.html
[38] Cuisinier, Jeanne (1946), Les Muong: Geographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnologie, Paris.
[39] Cầm Trọng (1987), Mấy vấn đề cơ bản về lịch sử kinh tế xã hội cổ đại người Thái Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.