CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN NGUYÊN MÔNG LẦN 1: TẠI SAO NHÀ TRẦN LẠI THUA?

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN NGUYÊN MÔNG LẦN 1: TẠI SAO NHÀ TRẦN LẠI THUA?

Nguyên do đến từ các nguồn sử liệu, khác với 2 lần xâm lược sau khi sử liệu các bên tương đối nhất quán và ta đều có thể kết luận được rõ trắng đen là “quân Nguyên đại bại”, thì cuộc xâm lược lần 1 lại có sự mâu thuẫn trong các ghi chép của Đại Việt và nhà Nguyên – cả hai đều tuyên bố mình là kẻ chiến thắng, nó nhuốm một màu xám xịt và bí ẩn lên lần xâm lược này.

TL;DR: màu xám xịt ở đây là tro núi lửa. ?

————————————————————————–

Các nguồn sử liệu nói gì?

Hiện tại ta có 3 nguồn chính, thứ nhất là Nguyên sử, thứ hai là An Nam Chí Lược và thứ ba là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

Nguyên sử: được biên soạn dưới triều Minh.

An Nam Chí Lược: được biên soạn bởi Lê Tắc, một người Đại Việt theo hàng quân Nguyên trong lần xâm lược thứ hai, phát hành dưới triều Nguyên.

Đại Việt sử ký toàn thư: được biên soạn nhiều thế kỷ sau đó dưới triều đình nhà Lê.

Tất cả các nguồn tương đối thống nhất đến đoạn nhà Trần phải bỏ kinh thành Thăng Long mà chạy, sau đó thì bắt đầu có sự mâu thuẫn.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

“Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng.”

An Nam Chí Lượcchép:

“[…] vua Trần bèn chịu hàng, rồi quan quân lui về.”

Nguyên sử chép:

“[…] Nhật Cảnh (tức Trần Thái Tông) chạy trốn ra hải đảo. Trong ngục (Thăng Long) tìm thấy hai sứ giả đã sai đi từ trước, đều bị trói bởi dây thừng tre, hằn sâu vào da thịt, lúc cởi trói thì một người đã chết. Vì vậy nên giết sạch dân trong thành. Quân Nguyên lưu lại ở đó chín ngày, vì khí hậu khắc nghiệt nên đem quân về. Lại sai hai sứ giả đến dụ cho quy hàng. Nhật Cảnh quay về, thấy quốc đô đều đã bị hủy hoại, rất căm phẫn, bắt trói hai sứ giả đuổi về.”

Ở đoạn khác, Nguyên sử lại chép:

“Ngột Lương Hợp Thai tiến vào Giao Chỉ, định kế trú lâu đài, quân lệnh nghiêm túc, không hề xâm phạm dân chúng. Quá bảy ngày, Nhật Cảnh xin nội phụ, thế nên ban rượu thưởng binh sĩ, đem quân quay về thành Áp Xích.” (đoạn này bạn Cuong Vu dịch là “thế nên mở tiệc rượu khao binh sĩ” nhưng tôi thấy không hợp lý cho lắm, hơn nữa khi dịch bản tiếng Hán lại là 於是置酒大饗軍士 “Vu thị trí tửu đại hưởng quân sĩ” tức là “thế nên ban rượu thưởng binh sĩ” nên xin phép dịch lại)

Đầu tiên ta có thể thấy được một điều, dù số phận Thăng Long ra sao đi chăng nữa thì Thăng Long vẫn còn người bên trong, khác với đa số vẫn tưởng là nhà Trần sử dụng kế “vườn không nhà trống”, cũng dễ hiểu, như bài trước đã nói, quân Trần đã không thể tính toán được sức mạnh lẫn tốc độ thực sự của kẻ thù lần này nên vẫn chưa có sự chuẩn bị thật sự tốt, kết quả là dân chúng vẫn chưa sơ tán xong.

————————————————————————–

Mục đích của quân Mông Cổ là gì?

Tiếp đến ta cần phải biết mục đích thật sự của quân Mông Cổ để phân định thắng thua, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì ghi là “du binh đến cướp phá”, Nguyên sử thì ghi là “định kế trú lâu đài” 為久駐計 “Vi cửu trú kế”, có lẽ người biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư không hiểu hết được bản chất của cuộc xâm lược này nên tôi nghĩ là ta nên tin Nguyên sử hơn trong trường hợp này.

Vậy “định kế trú lâu dài” kiểu gì khi chỉ có 3 vạn hộ mà còn phải đi đánh Tống?

Có lẽ bản chất của cuộc xâm lược này tương tự như cuộc xâm lược Tây Hạ lần thứ nhất của quân Mông Cổ, đó là tạo nên một chư hầu cũng như một căn cứ tiềm năng để cung cấp lương thực và nhân lực cho các chinh phạt tiếp theo, mà ở đây là cuộc chinh phạt Nam Tống.

Hoặc ta có thể giải thích bằng “Chiến lược sóng thần”: đánh Đại Việt, không cần thiết phải bình định, nhưng bình định được thì tốt, không thì cũng làm Đại Việt đủ yếu cho lần chinh phạt sau dễ dàng hơn, cách giải thích này có thể áp dụng cho tất cả các cuộc chinh phạt trước đó của quân Mông Cổ cũng như việc Toa Đô đánh Chiêm Thành sau này.

Theo cả hai cách giải thích này thì quân Mông không nhất thiết phải tận diệt nhà Trần hay hủy diệt hoàn toàn nhà nước hiện tại ở Đại Việt, như lịch sử đã chứng minh, việc để chính quyền địa phương tiếp tục tồn tại thì có lợi hơn cho quân Mông Cổ, vậy nên mục đích chính của cuộc xâm lược này là “có được sự thần phục của nhà Trần”.

————————————————————————–

Vậy quân Mông Cổ có đạt được mục đích không?

Đây là phần khiến chúng ta đau đầu, bởi vì các nguồn quá mâu thuẫn với nhau, Nguyên sử và An Nam Chí Lược đều chỉ ra rằng nhà Trần đều xin nội phụ sau khi thua trận và quân Mông Cổ vì không chịu được thời tiết cũng như đạt được mục đích đã rút lui, trong khi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại nói rằng là quân Trần đã phản công ở Đông Bộ Đầu và quân Mông Cổ đã bị tập kích bởi Hà Bổng.

Nguyên sử và An Nam Chí Lược sai? Tất nhiên là có người không chấp nhận cách giải thích này, bởi vì cuộc xâm lược xảy ra vào cuối năm 1257 – đầu năm 1258 ở miền Bắc Việt Nam hiện tại thì làm sao có chuyện thời tiết khắc nghiệt với quân Mông Cổ được, chưa kể đa số quân còn là quân Đại Lý vốn có khí hậu không khác là bao so với Đại Việt thời bấy giờ, và ta có thể giải thích rằng nhà Nguyên và nhà Minh, đã kế tục nhà Nguyên với tư cách là nước lớn, đã không thể chấp nhận được việc mình thua một nước nhỏ nên đã đổi trắng thay đen, viết thua thành thắng, còn An Nam Chí Lược thì do tư tưởng của Lê Tắc và hệ thống kiểm duyệt của nhà Nguyên đã bóp méo sự thật nên mới dẫn đến kết luận là nhà Trần là bên thua trận.

Thế nhưng chuyện này lại một lần nữa tiếp tục được xác nhận trong bức thư của Mông Kha gửi cho triều đình nhà Trần:

“Trước ta sai sứ thông hiếu, các ngươi giữ lại không cho về, vì thế mới có việc xuất quân năm ngoái, làm cho chúa nước ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Ta lại sai hai sứ đến chiêu an, các ngươi lại trói đuổi sứ của ta. Nay đặc sai sứ sang dụ rõ ràng: nếu các ngươi thật lòng nội phụ thì quốc chủ phải thân đến, nhược bằng còn không sửa lỗi thì nói rõ cho ta biết”.

Nếu như đây là thật sự là một cú lừa đến từ nhà Nguyên thì hẳn là nó khá là bài bản và có hệ thống, vả lại việc giải thích nhà Minh bưng bít cho nhà Nguyên có lẽ không thỏa đáng, thế thì tại sao Nguyên sử lại thừa nhận thất bại ở hai lần xâm lược sau, hơn thế nữa nhà Minh chưa tìm cách bôi xấu nhà Nguyên thì cũng phúc đức rồi, chứ sao lại còn nói giúp cho?

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư sai? Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được viết nhiều thế kỷ sau đó, tình huống không rõ rang nên ta không thể loại trừ trường hợp vẽ sử (vẽ sử tới mức này thì không phải là không có), tuy nhiên ta cũng không có cách nào chứng minh được những sự kiện này là không có thật nên ta cũng không thể phủ định nó hoàn toàn được.

Rõ ràng là nếu không phải người Việt với tinh thần dân tộc nồng nàn thì người ta sẽ nghe theo Nguyên sử, nhưng như thế chả phải là phủ định hoàn toàn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay sao? Nó khiến ta đi vào ngõ cụt, nhưng tại sao ta không nghĩ khác một tí, là các nguồn này không hề mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau thì sao?

————————————————————————–

Cách giải thích mới

Thật sự thì nó có một cách giải thích hợp lí, đầu tiên là ta đến với một câu chuyện cách đây nửa vòng Trái Đất:

Vào cuối năm 1256, Húc Liệt Ngột vây hãm các pháo đài của nhà nước Nizari miền bắc Iran, các chư tướng đều khuyên Húc Liệt Ngột hãy tạm hoãn lại cuộc tấn công, bởi vì mùa đông với tuyết rơi đang tới gần và đường hậu cần vẫn chưa được đảm bảo, thật không khôn ngoan khi tiếp tục tấn công trong tình thế đó, thế nhưng một điều không ai ngờ tới đã xảy ra, mùa đông năm ấy ấm một cách bất thường, quân Mông Cổ ngay lập tức tổng tấn công và chiếm được pháo đài, kẻ vô thần thì bảo rằng đó là sự ngẫu nhiên, còn người mộ đạo thì cho rằng đó là phép lạ của Allah để trừng phạt những kẻ dị giáo, còn các nhà khoa học thế kỷ 21 thì bảo rằng đó là dấu hiệu của một thảm họa tự nhiên – núi lửa phung trào.

Sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ trùng hợp xảy ra cùng lúc với hiện tượng ấm lên toàn cầu tạm thời vào lúc đó (sau đó là “nguội lại”), giờ đây các nhà khoa học đã xác định được đó là báo hiệu của một ngọn núi lửa đang trực chờ phung trào, và đó là cuộc phun trào lịch sử của ngọn Samalas ở Đông Nam Á xảy ra vào cuối năm 1257, cuộc phun trào này có ảnh hưởng tiêu cực lên toàn thế giới, một số nơi còn có ghi chép về nạn đói và thường được cho là một trong những nhân tố trực tiếp gây ra sự sụp đổ của Đế quốc Mông Cổ.

Nhưng nó thì liên quan gì? Có đấy, vì nó giải thích cho sự rút lui vì “thời tiết khắc nghiệt” trong Nguyên sử.

————————————————————————–

Ta có thể giải thích ngắn ngọn lại như thế này:

Sau 2 trận thua liên tiếp, Ngột Lương Hợp Thai đã chiếm được Thăng Long liền cho truy lùng gắt gao quý tộc nhà Trần nhằm không cho phép họ tập hợp lực lượng (thường thấy trong các cuộc xâm lược của quân Mông Cổ), vua Trần Thái Tông không còn cách nào khác đành phải xin làm chư hầu, Ngột Lương Hợp Thai thấy rằng nhiệm vụ đã hoàn tất cộng thêm “thời tiết khắc nghiệt, lương thực khó kiếm” (trích Rashid ad-Din) do tác động của núi lửa phun trào nên đã cùng 1 vạn hộ Mông Cổ (hoặc có thể là có thêm Đoàn Hưng Trí và một phần quân Đại Lý) rút lui về Áp xích, để lại số quân Đại Lý còn lại để đồn trú tại Đại Việt (như cách mà quân Mông Cổ thường làm khi vào mùa nóng), lúc này thì nhà Trần có cơ hội và thêm thời gian quý báu để tập hợp lại lực lượng và tổng phản công, do không có chỉ huy, quân Đại Lý bị áp đảo và phải tháo chạy, trên đường thì bị Hà Bổng tập kích và do số quân này khá nhỏ nên di chuyển rất nhanh làm cho quân Trần cũng không phản ứng kịp, sau đó vua Trần vào Thăng Long và cho bắt trói hai sứ giả đuổi về, nhưng do phận nước bé nên vẫn chấp nhận làm chư hầu (mặc dù chỉ trên danh nghĩa) sau đó.

Theo cách giải thích này thì rõ ràng là Ngột Lương Hợp Thai đã thắng và quân Trần đã thua, nhưng sau đó đã lật kèo nhờ vào một nhân tố tự nhiên và khó đoán, những gì xảy ra sau đó là một cuộc chiến khác mang tên “ngoại giao”.

Tuy nhiên liệu ta có nên cho rằng việc nhà Trần chấp nhận nội phụ coi như đã kết thúc cuộc xâm lược lần thứ nhất với chiến thắng cho quân Mông Cổ, và những gì xảy ra sau đó như một cuộc chiến khác để giành lại sự độc lập và tự chủ hay không?

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận