Dùng cung hay dùng súng?

Dùng cung hay dùng súng? Vào khoảng thế kỷ 16 khi các quốc gia từ Âu đến Á bước vào thời đại hỏa khí, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh vũ khí mới này, rằng so với cung và nỏ thì mấy cái que sắt nặng nề và ồn ào có xứng đáng để trang bị đại trà cho quân đội hay không. Lưu ý là lúc này thiên hạ chủ yếu sử dụng loại súng hỏa mai Arquebus nặng nề chứ không phải loại Musket tiên tiến hơn sau đó.

cung-thu-nha-nguyen

Học giả quân sự Anh thế kỷ XVI John Smythe nghĩ rằng súng hỏa mai không thể sánh với độ chính xác của cung trong tay một cung thủ có tay nghề cao (dân Anh có khác); các học giả khác như Humfrey Barwick và Barnabe Rich lập luận ngược lại. Một súng hỏa mai đặt nghiêng 35 độ có thể bắn một viên đạn đi xa tới 1.000 m hoặc hơn, xa hơn nhiều so với bất kỳ cung thủ nào có thể bắn (dĩ nhiên ở tầm này may ra giết được con ruồi). Một phát súng được coi là có thể giết người ở tầm xa tới 400 thước Anh (366m) trong khi khẩu súng hạng nặng của Tây Ban Nha có thể bắn chết người ở tầm xa tới 600 thước Anh (549 m). Trong cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản, người Triều Tiên sử dụng Giác cung, loại cung phức hợp tốt nhất Đông Á thời đó, và phải kinh hoàng trước quân đội Nhật Bản vì súng của họ có tầm bắn hiệu quả hơn cung tên hơn vài trăm bước. Vào năm 1590, Smythe lưu ý rằng lính bắn súng nếu bắn ở khoảng cách cực xa dường như hiếm khi bắn trúng bất cứ thứ gì và thay vào đó quyết định tranh luận về tầm bắn hiệu quả, tuyên bố rằng các cung thủ Anh như trong Chiến tranh Trăm năm có tầm bắn hiệu ở tầm 200–240 thước (183–219 m) là xa hơn so với lính bắn súng hỏa mai, nhưng vào thời điểm đó không còn đủ cung thủ lành nghề ở Anh để kiểm tra lý thuyết của ông một cách chính xác.

Xét về đặc điểm vũ khí, ưu điểm lớn nhất của súng so với cung nỏ là hỏa lực nó tạo ra. Một khẩu súng hỏa mai ở thế kỷ 16 có thể bắn viên đạn đi với năng lượng từ 1.300 đến 1.750 jun, tùy thuộc vào chất lượng thuốc súng. Ngược lại, một mũi tên nỏ là khoảng 80 jun, trong khi nỏ có thể thay đổi từ 100 đến 200 jun tùy thuộc vào cấu tạo. Vì vậy, súng có thể dễ dàng bắn thủng hầu hết các loại áo giáp vốn có thể chống lại mũi tên, và gây ra những vết thương lớn hơn trên da thịt. Sự chênh lệch thậm chí còn lớn hơn với một khẩu súng hỏa mai hạng nặng thế kỷ 16, là 2.300 đến 3.000 jun.

Về tốc độ bắn, một cung thủ lành nghề có thể bắn nhiều mũi tên trong lúc các tay súng đang nạp đạn, mà hầu hết là mất khoảng 30 – 60 giây. Đây là một trong những lý do mà ban đầu súng bị hắt hủi so với cung. Tuy nhiên súng vẫn bắn nhanh hơn các loại nỏ mạnh nhất.

Về công năng sử dụng, súng không dựa vào sức mạnh thể chất để nạp đạn và bắn như cung thủ, do đó có thể nhanh chóng tuyển mộ các tay súng từ những người có thể chất kém hơn cung thủ. Một cung thủ có khi phải luyện tập từ bé và tập cả đời để duy trì phong độ, còn tay súng chỉ mất một thời gian ngắn để huấn luyện và dễ dàng thay thế, bổ sung tổn thất. Yêu cầu kỹ năng và thể trạng thấp cho phép quân đội dễ dàng tuyển mộ và mở rộng lực lượng trong thời gian ngắn. Súng cũng tạo ra tiếng nổ lớn, chớp lửa và khói khi bắn có thể làm cho người và cả ngựa phe đối phương khiếp sợ bởi nếu lần đầu đối mặt với súng, điều này đã được các Conquistador Tây Ban Nha chứng minh khi họ chinh phục các đế chế bản địa ở châu Mỹ. Trong một cuộc chiến phòng thủ, các tay súng có thể thò súng ra khỏi lỗ châu mai hoặc đứng dưới chiến hào có che chắn để ngắm bắn quân địch, dễ hơn nhiều so với cung nỏ.

Một tay súng có thể mang nhiều đạn và thuốc súng hơn so với cung thủ và nỏ thủ. Khi công nghệ sản xuất phát triển, đạn và thuốc súng có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, trong khi cung và mũi tên chủ yếu sản xuất thủ công và yêu cầu thợ có tay nghề cao. Điều này cùng với đặc điểm dễ đào tạo tay súng so với tay cung cho phép dễ dàng mở rộng quân đội, qua đó khiến quân đội các nước dần loại bỏ cung tên.

Tất nhiên súng cũng có những bất lợi riêng, như là khi trời mưa hoặc thời tiết ẩm ướt làm ướt thuốc súng thì sẽ không thể sử dụng được, tuy nhiên điều tương tự cũng áp dụng đối với cung khi nước mưa làm dây cung bị chùng thì cũng không sử dụng được. Thuốc súng chế tạo khá đắt đỏ và hạn sử dụng cũng ngắn hơn so với cung tên, và quy trình chế tạo nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro chết người. Sau mỗi trận đánh, bên làm chủ trận địa thường nhặt lại tên đạn để tái sử dụng, và rõ ràng là những mũi tên thì dễ thu hồi hơn là mấy viên chì ? Chưa kể là do đạn phải khớp với nòng súng nên yêu cầu tiêu chuẩn hóa cao hơn là cung nỏ, do những vấn đề sản xuất và hậu cần, thì đạn thu về chưa chắc đã nhét vào súng bắn được. Tiếng nổ lớn của súng lâu dần sẽ làm giảm thính giác của xạ thủ, và trên chiến trường ồn ào có khi không thể nghe rõ mệnh lệnh của chỉ huy.

Nói chung là, các loại vũ khí đều có ưu và nhược điểm riêng, vũ khí mới bao giờ cũng mất thời gian để được chấp nhận, nhưng quân đội các nước đều từ bỏ dần cung nỏ để thay bằng súng. Súng du nhập vào Nhật Bản giữa thế kỷ 16, trong thời kỳ loạn lạc gọi là Chiến quốc và được các phe tham chiến áp dụng vào chiến trận nhanh chưa từng thấy, và trở thành một vũ khí chiến lược thay đổi hình thái chiến trường: các Samurai cưỡi ngựa bắn cung dần biến mất, thay vào đó là bộ binh Ashigaru sử dụng giáo và súng. Takeda Shingen, lãnh chúa nổi tiếng thời Chiến quốc bởi chiến thuật xung kích bằng kỵ binh cầm giáo đã phải tuyên bố rằng: “Sau này, súng sẽ là vũ khí quan trọng hàng đầu, do đó hãy bỏ bớt giáo đi và trang bị cho những chàng trai một khẩu súng.” Việc sử dụng súng tay số lượng lớn là một trong những nguyên nhân quân Nhật thu hàng loạt thắng lợi trong cuộc xâm lược Triều Tiên.Ở Việt Nam, thời kỳ chiến loạn kéo dài từ thế kỷ 16 đến 18 cũng ghi nhận việc sử dụng súng đạn số lược lớn “đạn bay như sao sa”. William Dampier, một nhà du hành từng đến Đàng Ngoài năm 1688 có ghi nhận là quân đội chúa Trịnh có chừng 70.000-80.000 quân thường trực, trong số đó hầu hết là bộ binh trang bị súng tay. Người ta ghi nhận quân đội của chúa Trịnh sử dụng những khẩu súng lớn gọi là Giao súng (súng Giao Chỉ) dài tới 2 mét, cần 2 người sử dụng, có thể bắn thủng nhiều lớp giáp sắt. Nhà Minh ở Trung Quốc đã phát triển đơn vị chuyên sử dụng súng rất sớm, gọi là Thần Cơ Doanh, một trong Tam Đại Doanh chuyên bảo vệ Bắc Kinh, Thần Cơ Doanh sau đó được nhà Thanh tiếp thu, tuyển chọn trong Cấm lữ Bát Kỳ bảo vệ kinh thành. Bên ngoài Thần Cơ Doanh, tùy điều kiện trang bị mà tỷ lệ súng trong các đơn vị cũng khác nhau.

Nói chung là theo sự phát triển của vũ khí, thì người ta chỉ có bỏ cung tên và vũ khí lạnh nói chung để trang bị thêm súng chứ ít có chỗ nào làm ngược lại (trừ nhà Nguyễn).

 

 

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận