Vua Gia Long – “Cõng rắn cắn gà nhà” hay hành trình của chân mệnh thiên tử.
Gia Long – Nguyễn Ánh là một trong những cái tên gây nên nhiều tranh luận bậc nhất trong những năm gần đây. Từ thủa nhỏ, chúng ta luôn được học câu chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” của vị vua sáng lập triều Nguyễn như là một nguyên nhân trọng yếu dẫn đến cuộc xâm lăng của thực dân Pháp sau này.
Tuy nhiên, xét một cách công bằng, có tồn tại một Hiệp ước Versailles năm 1787, được dự định ký kết giữa vua Pháp là Louis XVI và chúa Nguyễn Ánh. Nội dung chủ yếu là Nguyễn Ánh đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam cho Pháp, đổi lại Pháp đồng ý đưa quân và vũ khí sang đánh nhà Tây Sơn. Hiệp thư do giám mục người Pháp Bá Đa Lọc ( Pigneau de Behain) và Hoàng Tử Cảnh mang sang Pháp. Nhưng cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 chấm dứt chế độ quân chủ tại đất nước hình lục lăng, khiến cho chẳng có sự viện trợ nào cho Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Tàu thuyền súng ống hầu hết là do sự tự thân vận động của Bá Đa Lộc. Và Hòa ước 1787 ấy mãi không bao giờ được thực hiện. Còn cuộc xâm lược của Pháp bắt đầu tận năm 1858, dưới đời vua Tự Đức, với nhiều nguồn cơn khác nhau của thời cuộc khi đó.
Nguyễn Ánh có hành động cầu viện ngoại bang. Chuyện đó rõ ràng. Nhưng cũng cần thấy đó không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn Pháp vào Việt Nam, nó rất khác với câu chuyện cùng thời của Lê Chiêu Thống. Dù hành động của cả hai đều chung một ý niệm, bảo vệ hoàng vị của ông cha.
Chúng ta đứng ở góc nhìn của hậu thế, để có thể có những cảm nhận đúng sai theo thời đại của mình. Nhưng chúng ta cũng ko quên vị hoàng thân Nguyễn Ánh ấy chịu cảnh nước mất nhà tan, gần như trở thành giọt máu duy nhất còn lại của chín đời chúa Nguyễn. Và trong quan điểm phong kiến, non sông được hòa lấp vào vương vị của dòng tộc, giữ được điều này ắt giữ được điều kia. Ấy cũng là suy nghĩ của Nguyễn Vương trong những lúc ngặt nghèo nhất mà quyết định gửi hoàng tử Cảnh sang Pháp vậy!
Công – tội của vua Gia Long có thể là một ẩn số của lịch sử nhưng hành trang của ngài đã đi qua từ một đứa trẻ tuổi thiếu niên bị truy sát trở thành cửu ngũ chí tôn thì là gì, nếu không là hành trạng của chân mạng thiên tử. Đó là một cuộc trường chinh trước số phận nghiệt ngã mà Nguyễn Ánh đã hội đủ tài năng,kiên định và Thiên Mệnh.
Bút mực viết về ngài sẽ còn dài giữa những lằn ranh đầy tranh cãi nhưng những bài học từ ngài mới là điều mà hậu thế cần phải lĩnh hội và khắc ghi.
Nguồn : Tìm hiểu lịch sử Việt Nam