Hồ Nguyên Trừng: Từ bại tướng trước giặc Minh tới “bộ trưởng” Trung Hoa
Hồ Nguyên Trừng 胡元澄 (1374 – 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly. Tháng 11/1394 lần đầu tiên sử sách nhắc đến Nguyên Trừng với việc bổ nhiệm ông làm Phán sư tự dưới triều đình của Thái thượng hoàng Nghệ Tông. Tháng 6/1399 Nguyên Trừng lãnh chức Tư đồ.
Tháng 2 năm 1400 Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, trong lòng muốn lập con thứ Hồ Hán Thương (là cháu ngoại Trần Minh Tông) làm Thái tử, bèn thăm dò ý Hồ Nguyên Trừng trừng bằng cách ra câu đối:
Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vũ dĩ nhuận sinh dân.
Nghĩa là:
Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân.
Hồ Nguyên Trừng khiêm tốn trả lời, ý nói không màng ngôi cao, chỉ mong được phụng sự đất nước:
Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc.
Nghĩa là:
Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường cột để chống nâng xã tắc.
Tháng 12 năm 1400 Hồ Quý Ly tự xưng Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho Hồ Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng lãnh chức Tả tướng quốc.
Cuối năm 1405, nguy cơ xâm lăng của nhà Minh ngày càng rõ rệt. Khi nghị bàn quốc sự các quan trong triều chia thành hai phái đánh và hòa. Hòa tức là chấp nhận sức ép của Bắc triều, cắt đất, cống nộp từ con người đến sản vật. Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Hồ Quý Ly rất tâm đắc ý chí của Hồ Nguyên Trừng nên đã thưởng cho Hồ Nguyên Trừng chiếc hộp đựng trầu bằng vàng.
Giữa năm 1406 Hồ Nguyên Trừng thống lĩnh binh mã cự 10 vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sang. Trận đầu ông thất bại ở khu vực Đáp Cầu, Bắc Ninh ngày nay, vì khinh quân địch ít. Sau đó ông cũng đuổi được chúng ra khỏi bờ cõi. Cuối năm 1406, đợt xâm lược mới của nhà Minh có quân số lên tới 80 vạn. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chỉ huy một cánh quân tiên phong dọc sông Cái.
Thất bại này nối thất bại kia vì giặc mạnh lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng và dân chúng. Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị bắt sống và giải về Kim Lăng, Trung Quốc.
Trên đây là tóm tắt gốc tích và hành trạng trong nước của Hồ Nguyên Trừng theo Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH Hà Nội 1993. Sách này còn ghi năm 1411 Hồ Ngạn Thần theo lệnh vua Trùng Quang Trần Quí Khoáng đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) để cầu phong. Vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng gặp Ngạn Thần thu thập tin tức Giao Chỉ.
Đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Hà Nội 1998, ngoài nội dung cũ, liên quan đến Hồ Nguyên Trừng còn có các chi tiết: Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Hồ Quý Ly rằng: “Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?”. Quý Ly không trả lời được, bèn giao cả xuống giam vào ngục tù, chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế. Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng.
Lời cẩn án – Sử cũ chép: “Khi Quý Ly đến Kim Lăng, vua nhà Minh giả vờ trao cho chức tham chính, sai người hộ tống đến nơi làm việc, rồi giết chết ở dọc đường”. Có lẽ nào đánh bắt được người đầu sỏ của giặc, không đem làm tội một cách đường hoàng mà lại phải dùng kế giả dối để giết bao giờ? Thật là vô lý! Nay theo sách Minh sử kỷ sự cải chính lại.
***
Giai đoạn sau cuộc đời Hồ Nguyên Trừng không được sử sách chính thống Việt Nam nhắc đến. Nhiều văn bản Trung Quốc còn lưu lại đến ngày nay đều thống nhất dùng họ Lê cho Hồ Nguyên Trừng và con cháu ông, đây là họ của Lê Huấn, cha nuôi Hồ Quý Ly. Để tiện bề theo dõi, trở xuống xin được đổi lại họ Hồ trong các đoạn dịch.
Nguồn: Sưu tầm