Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (chữ Hán: 胡春香,1772 – 1822, hiện nay vẫn chưa rõ lai lịch) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi
Hồ Xuân Hương là một trong những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam, với tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ phá cách, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều giá trị về việc nghiên cứu cho giới phê bình.
Mặc dù sự nghiệp văn chương rất thành công nhưng Hồ Xuân Hương lại phải trải qua một cuộc đời nhiều bất hạnh, chính những nỗi đau ấy đã giúp cho tác giả đạt được thành tựu to lớn trên con đường sáng tác thi ca của mình.
Vài nét về thân thế và cuộc đời của tài nữ họ Hồ
Bà sinh năm 1772 tại Thăng Long có nguyên danh Hồ Phi Mai với biểu tự Xuân Hương, trong cuốn Giai nhân dị mặc chép rằng nhà thơ là con gái của Sinh đồ Hồ Phi Diễn, quê ở Nghệ An.
Năm mười ba tuổi, sau khi thân phụ mất thì Hồ Xuân Hương theo mẹ về làng Thọ Xương đi học rồi ở nhà giúp việc. Bà có một tuổi thơ êm đềm ở dinh thự Cổ Nguyệt đường ven hồ Tây, khi ấy là nơi xa hoa bậc nhất Đàng Ngoài.
Mẹ bà đã tái hôn với người khác sau khi mãn tang chồng, mặc dù sống trong ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến nhưng Hồ Xuân Hương vẫn có được tư chất thông minh và hiếu học, điều này được bộc lộ ở khả năng sáng tác tuyệt vời của bản thân.
Thơ Hồ Xuân Hương được đánh giá cao với nét thanh thanh tục tục đặc sắc, những tác phẩm của bà đã đóng góp rất nhiều trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật cũng như là thể hiện những tư tưởng tiến bộ vượt khỏi khuôn khổ thời đại bấy giờ.
Hồ Xuân Hương có tập Lưu hương ký nổi tiếng với nhiều bài thơ khác được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Sau này bà tập trung sáng tác với chữ Nôm và tính đến nay, thi sĩ đã để lại cho đời hơn 150 tác phẩm có giá trị.
Ðề tựa cho thi tập Lưu hương ký được phát hiện năm 1964, nhà phê bình Tốn Phong viết:
Bên cạnh đó còn có nhiều giai thoại truyền miệng về lối sống phong lưu của Hồ Xuân Hương rằng bà là một nữ tử tài sắc vẹn toàn cùng những mối tình bên thơ rượu với Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Phạm Quý Thích, Trần Ngọc Quán và Nguyễn Du.
Theo các nhà nghiên cứu, bà mất năm 1822 tại Hà Nội, mặc dù đã tìm kiếm nhiều năm nhưng cho đến nay, ngôi mộ của Hồ Xuân Hương ở đâu và những bí ẩn xoay quanh cuộc đời nhà thơ vẫn là dấu hỏi lớn trong lòng hậu thế.
Những bất hạnh trong tình duyên đã giúp Hồ Xuân Hương trở thành nhà thơ phụ nữ
Bi kịch của Hồ Xuân Hương bắt đầu khi bà làm lẽ Tổng Cóc, một cường hào có tính ăn chơi và tiêu xài hoang phí nên chẳng bao lâu thì nhà cửa sa sút và cộng thêm việc vợ cả ghen vì ông yêu quý tài nghệ của Hồ Xuân Hương nên bà bỏ đi biệt, chỉ để lại một lá thư từ giã.
Sau khi bỏ nhà đi, bà hạ sinh một người con gái nhưng được ba tháng thì chết yểu, Tổng Cóc có tìm đến đòi con nhưng vô vọng. Bà làm bài thơ Khóc Tổng Cóc gửi ông để khóc cho mối tình cũ của mình, hai người xem như đoạn tuyệt tình nghĩa phu thê.
Sau này bà tiến đến với ông Phủ Vĩnh Tường, tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn và sinh cho ông một đứa con tên Phạm Viết Thiệu, thế nhưng hơn hai năm sau thì người chồng này của Hồ Xuân Hương cũng tạ thế.
Hai lần mất chồng đã khiến Hồ Xuân Hương thấm thía nỗi đau của những người phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn nên khi nghe tiếng khóc từ bà lang, nhà thơ viết ra nhiều câu thơ thể hiện nỗi xót xa và đồng cảm sâu sắc.
Có những nhà thơ trung đại lên tiếng bênh vực người phụ nữ như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn nhưng họ không chân thực bằng Hồ Xuân Hương. Bởi bà đã trải qua nhiều bi kịch trong cuộc đời, nỗi đau đớn ấy đều lắng đọng trên trang thơ sắc sảo của Hồ Xuân Hương mà không ai có thể thay thế được.
Nhà thơ từng trải qua hai lần làm lẽ nên bà thấu hiểu được cảm giác của những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Trong bài Lấy chồng chung, Hồ Xuân Hương đã thể hiện rất rõ nỗi niềm chua xót ấy, đồng thời bà cũng lên án chế độ đa thê của xã hội phong kiến.