Cùng với những tư liệu chính sử, dã sử của người Việt được ghi thành văn và truyền trong văn hóa dân gian, những tư liệu lịch sử và truyện ký Trung Hoa là những tư liệu sớm nhất ghi chép về thời kỳ Hùng Vương của dân tộc Việt. Trong các tài liệu lịch sử, truyện ký của Trung Hoa ghi chép về thời kỳ Hùng Vương, có hai danh xưng được sử dụng để chỉ thời kỳ này, là Hùng Vương và Lạc Vương, sự xuất hiện đồng thời của hai danh xưng khác biệt này đã gây nên những tranh cãi khá gay gắt trong giới học thuật từ nhiều năm qua. Liệu câu trả lời chính xác là Hùng Vương hay Lạc Vương?
Để tìm hiểu chính xác danh xưng Hùng Vương hay Lạc Vương, chúng tôi cho rằng cần tiếp cận toàn diện từ các tài liệu lịch sử, các ghi chép thành văn và truyền miệng của cả Việt Nam và Trung Hoa. Việc tìm hiểu sâu trong ghi chép lịch sử về hai danh xưng Hùng Vương và Lạc Vương, cũng như tìm hiểu về các tên gọi Lạc tướng, Lạc hầu, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về nguồn gốc danh xưng thời kỳ Hùng Vương của dân tộc, để từ đó thấy được ý thức, tên gọi mà người Việt luôn công nhận và lưu truyền xuyên suốt lịch sử, làm cơ sở để kết luận về các danh xưng Hùng Vương và Lạc Vương, góp phần giải quyết những tranh cãi trong các ghi chép về hai danh xưng này trong lịch sử, truyện ký Trung Hoa.
I. Các ghi chép về thời kỳ Hùng Vương và xác định các khái niệm Hùng Vương, Lạc hầu, Lạc tướng:
Các ghi chép về thời kỳ Hùng Vương xuất hiện trong cả lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, lịch sử người Việt luôn công nhận về sự tồn tại của thời Hùng Vương, nhưng bởi sự xuất hiện thành văn lần đầu tiên của nó là trong sách Lĩnh Nam chích quái vào thời nhà Trần, cũng như thời kỳ này chỉ được truyền lại trong các truyền thuyết, nên thời kỳ Hùng Vương được không ít người xem là huyền sử không có thật. Tuy nhiên, trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, họ cũng công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương, nó hoàn toàn tương đồng với những ghi chép của người Việt về thời kỳ này, ở các chi tiết quan trọng về tổ chức nhà nước của thời kỳ này như Lạc Hầu, Lạc Tướng.
1. Thời Hùng Vương trong các ghi chép của Trung Quốc:
Lịch sử của người Việt về thời kỳ Hùng Vương, trong bối cảnh người Việt phải sống dưới ách đô hộ của người Hán, chỉ có thể được truyền trong dòng văn hóa dân gian thông qua phương thức truyền miệng từ đời này qua đời khác, sau đó, vào thời kỳ độc lập, người Việt đã chép thành văn về thời Hùng Vương, sớm nhất là trong thời nhà Trần. Không chỉ tài liệu sách sử, truyền thuyết Việt Nam chép về thời Hùng Vương, mà thời kỳ Hùng Vương còn được chép trong cả cổ sử Trung Hoa, cho thấy thời kỳ này thực sự tồn tại.
Thủy kinh chú, quyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交州外域記》曰:交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。縣多為雒將,雒將銅印青綬。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [1]
Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” [1]
Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh.Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [1]
Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”
Những ghi chép này rất tương đồng với các người Việt ghi chép lại về thời kỳ Hùng Vương, trong đó các chi tiết quan trọng nhất: Hùng Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng đều có thể tìm thấy trong các ghi chép lịch sử Trung Hoa, trong các tài liệu lịch sử và truyền thuyết của người Việt.
Trong các đoạn trích ở trên, các tác giả thường sử dụng đồng nhất những khái niệm quan trọng với từ Hùng hoặc Lạc, như Cựu Đường Thư thì chép là Hùng Vương, Hùng Hầu, Thái Bình Quảng Ký thì chép là Hùng Vương, Hùng Điền, Hùng Dân, Hùng Hầu, Hùng Tướng. Sử ký (sách ẩn) và Thủy Kinh chú đều chép là Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng. Điều này có thể có nguồn gốc từ vấn đề các danh xưng, tên gọi này được người Việt gọi đa số bằng tên Hùng hoặc tên Lạc, khiến các tác giả có xu hướng đồng hoá nốt các khái niệm còn lại để cho thống nhất. Để có thể tìm hiểu chính xác xem thực tế là Hùng Vương hay Lạc Vương, là Lạc Hầu, Lạc Tướng hay là Hùng Hầu, Hùng Tướng, chúng ta cần tổng hợp so sánh, đối chiếu cả các tài liệu lịch sử thành văn, truyền thuyết được ghi chép trong sách Lĩnh Nam chích quái và truyền thuyết họ Hồng Bàng trong dân gian của người Việt. Việc khảo cứu này sẽ được chúng tôi thực hiện ở phần sau đây.
2. Thời Hùng Vương trong các ghi chép lịch sử của Việt Nam:
Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều sách và tài liệu lịch sử ghi chép và công nhận sự tồn tại của họ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương, xem đó là cội nguồn của dân tộc Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư được viết vào thời nhà Lê chép: “Hùng Vương: Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.” [2]
Dư địa chí của Nguyễn Trãi được viết vào thời nhà Lê chép: “Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước gọi là Văn Lang; chia trong nước làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức.”, “Hùng Vương là con Lạc Long, cháu Kinh Dương. Nơi đóng đô gọi là Văn Lang. Truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương.” [3]
Khâm định Việt sử thông cương giám mục viết vào thời nhà Nguyễn chép: “Hùng Vương. Dựng nước gọi là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.”. sách chép tiếp: “Bắt đầu đặt quan chức: tướng văn gọi là Lạc Hầu; tướng võ gọi là Lạc tướng; hữu tư gọi là Bồ chính; con trai của vua gọi là Quan Lang, con gái của vua gọi là Mị Nương. Cứ đời nọ đến đời kia, cha truyền con nối, gọi là phụ đạo.” [4]
Việt sử tiêu án thời Trịnh – Nguyễn chép: “Hùng Vương là con vua Lạc Long, dựng nước đặt tên là Văn Lang, đóng kinh đô ở Phong Châu (Phong Châu theo sử cũ: đông đến bể, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam tiếp giáp Hồ Tôn) chia nước làm 15 bộ; chỗ vua ở gọi là Văn Lang, con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương, tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Quan Hữu tư coi việc gọi là Bồ chính, thế tập truyền đời giữ chức gọi là Phụ đạo, 18 đời đều hiệu gọi là Hùng Vương (15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Toàn, Lục Hải, Vũ Dinh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức)”. [5]
Vào thời nhà Trần, thì hầu hết các tư liệu lịch sử của người Việt đã bị nhà Minh phá hủy, tuy nhiên tư liệu văn bia sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin rằng nhà Trần cũng công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương như cội nguồn của dân tộc Việt.
Văn bia được tìm thấy tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, được khắc vào thời Trần, do Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu soạn năm 1312 và được khắc lại vào đợt trùng tu năm 1816. Văn bia chép như sau: “Bia đá được lập nên, là để ghi chép lại sự tích cũ, là để nêu gương công đức lên vậy. Trộm nghĩ xưa, đền thờ Thiên Thần vương, từ đời Hùng Vương thứ sáu, do Lạc tướng ở bộ Chu Diên phụng mệnh xây dựng đài Kính Thiên theo hướng Tây bắc – Đông nam. Hàng năm đầu xuân, kính cẩn tiến hành đại lễ tế trời. Nếu như có thiên tai biến họa lũ lụt hạn hán, dân gian cầu đảo, thì rất linh ứng. Đến đời triều (Lý) trước, năm Thuận Thiên thứ 7 (1016), nhà vua đến thăm viếng cảnh núi sông, phong thần là Đương cảnh Thành hoàng Chí Minh đại vương. Về sau, các vua đều cho tu tạo đền, có sắc phong thần. Lớn lao thay, lồng lộng thay ngôi cao uy linh đệ nhất”. [6]
Ghi chép này cho thấy nhiều khả năng triều Lý đã biết tới tích này, hiểu rõ nguồn gốc của di tích này là từ thời Hùng Vương, nên đã bảo vệ và thực hiện tu tạo qua các đời vua, sau đó nhà Trần tiếp tục kế thừa, giữ gìn và chép trong văn bia để ghi nhớ nguồn gốc.
Từ đó có thể thấy các triều đại Trần, Lê, Nguyễn đều công nhận về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương như cội nguồn của người Việt, trong các ghi chép lịch sử và trong các tư liệu văn bia. Trong các ghi chép này, có thể thấy người Việt luôn luôn gọi thời kỳ này là thời kỳ Hùng Vương, không thấy bất cứ tài liệu nào nhắc tới khái niệm Lạc Vương. Các ghi chép cũng cho thấy sự tồn tại của khái niệm Lạc tướng trong thực tế lịch sử, cũng tương ứng với những ghi chép lịch sử của người Hoa Hạ và trong truyện họ Hồng Bàng.
3. Thời kỳ Hùng Vương trong truyền thuyết dân tộc:
Trong tất cả các truyền thuyết của người Việt, kể cả truyền trong dân gian lẫn ghi chép thành văn trong sách Lĩnh Nam chích quái đều ghi rõ là Hùng Vương, không thấy xuất hiện tên gọi Lạc Vương, các tài liệu cũng chép rõ là Lạc Hầu, Lạc Tướng.
Lĩnh Nam chích quái, truyện họ Hồng Bàng chép: “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.” [7]
Trong hầu hết các truyện khác trong sách Lĩnh Nam chích quái, đều nhắc tới các thời kỳ Hùng Vương, như truyện Trầu Cau, truyện Đầm Nhất Dạ, truyện Đổng Thiên Vương, truyện bánh Chưng, truyện Bạch Trĩ, truyện dưa hấu, truyện Lý Ông Trọng, Việt Tỉnh, truyện Kim Quy, tất cả những câu chuyện này đều ghi rõ là Hùng Vương, và các truyện cũng đều nhắc tới Lạc Hầu, Lạc Tướng, chứ không có sự lẫn lộn như cách ghi chép của Trung Quốc. [7]
Sách Việt Điện u linh của Lý Tế Xuyên được viết vào thời Lý-Trần cũng chép về thời kỳ Hùng Vương, cũng ghi rõ ràng về Hùng Vương, Lạc hầu, Lạc tướng. [8]
Việt Điện u linh chép: “Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu cản rằng…”, “Sử chép: Bà chị tên là Trắc, bà em tên là Nhị, vốn họ Lạc, con gái Lạc tướng ở Giao Châu ta, người huyện Mê Linh, châu Phong. Bà chị được gả cho Thi Sách, người huyện Chu Diên. Thi Sách là người có dũng lực, trọng hào khí, tiếng đồn như gió, bị Thứ sử Tô Định thiết kế hãm hại. Bà chị phẫn nộ mới cùng với em cử binh trục xuất Tô Định, công hãm Giao Châu ta.” [8]
Truyện họ Hồng Bàng được lưu truyền trong dân gian cũng ghi là Hùng Vương: “Lân Lang bèn xưng là Hùng Quốc Vương, đóng đô Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ sai các em đi trấn giữ. Kể từ đây các đời vua nối đều lấy hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời.” [9]
Trong các truyền thuyết vùng đất Tổ Hùng Vương được tác giả Vũ Kim Biên tổng hợp, thì tất cả đều được ghi rõ là thời Hùng Vương, không thấy sự xuất hiện của khái niệm Lạc Vương. Các truyện cũng có nhắc về Lạc hầu và Lạc tướng, chứ không có sự nhầm lẫn thành Hùng hầu, Hùng tướng. Cũng có một chi tiết quan trọng, đó là núi Nghĩa Lĩnh, nơi đặt đền thờ Hùng Vương cũng được gọi là núi Hùng, cho thấy chữ Hùng có ý nghĩa rất to lớn đối với người Việt. [9]
4. Các ghi chép về Lạc tướng trong lịch sử Trung Hoa:
Trong các tài liệu lịch sử Trung Hoa, như sách Hậu Hán Thư, Thủy Kinh chú khi chép về cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, đều có nhắc về việc Lạc tướng trị dân như cũ, và Bà Trưng Trắc và ông Thi Sách là con của các Lạc tướng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Sách Hậu Hán thư chép: “Đến năm thứ mười sáu (năm 40), có người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tiến đánh quận thành. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên, là người rất hùng dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định đem pháp luật để ràng buộc, Trắc phẫn nội, bèn chống lại. Vì vậy người man Lái ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, phàm cướp được sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua.” [10]
Thủy kinh chú chép: “《交州外域記》曰越王令二使者典主交趾、九真二郡民後漢遣伏波將軍路博德討越王路將軍到合浦越王令二使者齎牛百頭酒千鍾及二郡民戶口簿詣路將軍乃拜二使者爲交趾、九真太守諸雒將主民如故。交趾郡及州本治於此也。州名爲交州。後朱䳒雒將子名詩索泠雒將女名徵側爲妻側爲人有膽勇將詩起賊攻破州郡服諸雒將皆屬徵側爲王治泠縣得交趾、九真二郡民二歲調賦。後漢遣伏波將軍馬援將兵討側詩走入金溪究三歲乃得。爾時西蜀竝遣兵共討側等悉定郡縣爲令長也。” – “Giao châu ngoại vực kí chép: “Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ. Sở trị của quận Giao Chỉ và châu vốn ở đấy vậy (huyện Mi Linh). Đặt tên châu là châu Giao. Sau có con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên tên là Thi lấy con gái của Lạc tướng huyện Mi Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người gan dũng, giúp Thi nổi dậy, đánh phá châu quận, bắt các Lạc tướng theo phục, đều thuộc quyền Trưng Trắc, làm vua, đóng đô ở huyện Mi Linh, thu thuế của dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân được hai năm. Sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Mã Viện đánh Trắc – Thi, chạy vào khe hang Kim, ba năm mới bắt được. Bấy giờ quận Thục phía tây cũng đem binh cùng đánh bọn Trắc, dẹp yên cả các quận huyện, đặt ra quan Lệnh, Trưởng ở đấy.” [Bản dịch của Tích Dã]
Như vậy thì có thể khẳng định chắc chắn rằng về các vị tướng dưới triều Hùng Vương, thì chính xác phải là Lạc tướng, được thể hiện trong cả các tài liệu lịch sử Việt Nam và Trung Hoa, tất cả các ghi chép đều không có sự nhầm lẫn ở khái niệm này.
5. Hùng Vương, Lạc Hầu và Lạc Tướng:
Với những tư liệu mà chúng tôi đã dẫn ở trên, chúng ta đã thấy rất rõ ràng rằng người Việt luôn luôn ghi rõ ràng về danh xưng là Hùng Vương, không có bất cứ tài liệu lịch sử, truyền thuyết nào có nhắc tới danh xưng Lạc Vương, danh xưng Lạc Vương chỉ duy nhất được nhắc tới trong các sách Thủy Kinh chú và Sử kí (sách ẩn).
Các tài liệu chính sử, lịch sử của cả người Việt và người Trung Hoa, các truyện ký, truyền thuyết của người Việt đều ghi rõ là Lạc tướng, Lạc hầu, không thấy có sự xuất hiện của các khái niệm Hùng Hầu, Hùng Tướng.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận lại rằng các ghi chép trong cả 4 sách: Thủy Kinh chú, Sử kí (sách ẩn), Cựu Đường thư, Thái Bình quảng ký đều có chi tiết nhầm lẫn, chính xác trong thực tế lịch sử phải là Hùng Vương dành cho những vị vua của người Việt, và Lạc hầu, Lạc tướng cho những tên gọi các quan văn, quan võ của triều Hùng Vương. Sự nhầm lẫn và tranh cãi về Hùng Vương và Lạc Vương là do các sách của Trung Hoa ghi chưa chính xác, không phải do người Việt nhầm lẫn.
Thời Hùng Vương bắt nguồn từ khoảng 4000 năm trước, với văn hóa Phùng Nguyên tại vùng miền Bắc Việt Nam, tương ứng với 50 người con cùng mẹ Âu Cơ về Việt Nam như truyện họ Hồng Bàng đã chép lại. Tại văn hóa Phùng Nguyên, cũng tìm thấy nhiều nha chương đại diện cho quyền lực nhà nước, đại diện cho nhà nước thời Hùng Vương.
Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Hùng Vương, dẫn]
II. Khảo về một số vấn đề liên quan tới thời kỳ Hùng Vương:
1. Tìm hiểu về nguyên nghĩa của từ Lạc:
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đều đồng tình rằng yếu tố “Lạc 雒/駱/絡” là một “ký tự bằng chữ Hán” dùng để biểu thị một từ mô phỏng ngữ âm của ngôn ngữ phi Hán, học giả M. Ferlus dựa vào những tái lập tiếng Hán cổ đã công bố cho chúng biết dạng thức ngữ âm thời “Sử ký” hay “Hán thư” (giai đoạn tiếng Hán cổ, OC) của yếu tố này là như sau. [11][12]
luò 雒 SV lạc < MC *lak < OC *C-rak [(C).r ak ]
Trong dạng thức OC được tái lập có âm tiết chính *rak của một dạng thức bán song tiết cổ xưa *p.rak hay *b .rak. Như vậy, âm Hán – Việt “lạc” bắt nguồn từ âm tiết chính *rak đã có ba sự biến đổi lịch sử sau này. Đây là một từ gốc Nam Á, còn thấy được ở người Khmú, âm *p.rak Hán cổ hiện nay được thể hiện bằng dạng ngữ âm tái lập *prɔːk là “tên tự gọi của người Wa”. Vì thế, dạng thức ngữ âm tái lập *prɔːk “tên tự gọi của người Wa” hay người Khmú đã lưu giữ nghĩa từ nguyên rõ nhất của từ gốc Nam Á này. Qua các dẫn chứng của M. Ferlus, ông cho thấy dạng thức Hán cổ này đã được lưu giữ trong một không gian khá rộng gồm cả miền nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Những ngôn ngữ mà ông dẫn ra có dạng thức ngữ âm tương ứng với từ ngữ âm *p.rak Hán cổ đều mang nét nghĩa “chỉ người”. [11][12]
Như vậy, thành tố Lạc là một từ có nét nghĩa là “chỉ người” theo phương pháp phục nguyên ngôn ngữ học, là một từ có gốc Nam Á, được người Hán tiếp nhận và chép lại thành các chữ Hán 雒/駱/絡.
2. Việt sử lược và thời kỳ Hùng Vương:
Việt sử lược là tác phẩm được viết vào thời nhà Trần, sau đó đã được nhà Minh đem về phương Bắc khi đốt phá sách vở, văn tự của người Việt. Tác phẩm vào thời nhà Thanh nằm trong Khâm định tứ khố toàn thư, do vua Càn Long, một kẻ bại trận dưới tay Quang Trung, chỉ đạo biên soạn. [13] Sau đó, Tiền Hy Tộ, một học giả của triều đại này đã tiến hành hiệu đính, cho khắc in, đưa vào Tứ khố, rồi mới tới tay người Việt. Vì vậy, khi khảo sát tác phẩm, có thể thấy nó đã bị vua quan nhà Thanh sửa đổi với những mục đích làm sai lệch lịch sử người Việt, cố gắng biến người Việt thành một quốc gia phiên thuộc Hoa Hạ ngay từ thời kỳ Hùng Vương.
Đầu tiên, về tên gọi, thì sách vốn tên Đại Việt sử lược, nhưng đã bị sửa lại thành Việt sử lược nhằm mục đích đánh tráo, nhập nhằng khái niệm. Tiếp theo, thì về tự dạng thì Việt sử lược khắc in Hùng Vương là 碓王, chữ Đối 碓 không phải là chữ Hùng 雄. Theo Khang Hy tự điển “䧺: (字彙補) 與雄同” (䧺: (Tự vựng bổ), đồng với 雄) vậy 雄 = 䧺 (chữ hữu 右 bên trái) và chỉ cần thụt đi nét đầu tiên bên trái 䧺 là ra chữ 碓 (bộ thạch 石) có nghĩa là cối giã gạo, hóa ra vua người Việt không còn là vua Hùng 雄 theo nghĩa hùng dũng, siêu quần, người đứng đầu nữa mà trở thành vua Hùng “cối giã gạo”! [13]
Ý định bôi nhọ, làm sai lệch nhận thức về nguồn gốc thời Hùng Vương của vua quan nhà Thanh là rất rõ, từ chữ Hùng với ý nghĩa hùng dũng, hùng mạnh, đã bị biến thành “cối giã gạo”, quả là một sự xúc phạm đối với người Việt.
Trong Việt sử lược, trong phần chép về thời Hùng Vương không có để nhận ra những thay đổi có chủ đích rõ ràng của Tiền Hy Tộ và vua quan nhà Thanh, cho thấy tư tưởng Hoa Di, tự đặt mình vào trung tâm, sẵn sàng đổi trắng thay đen để biến người Việt thành phụ thuộc của người Hoa Hạ.
“Xưa, Hoàng Đế dựng nên muôn nước, thấy Giao Chỉ xa xôi, ở ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở góc tây nam, có 15 bộ lạc là: 1) Giao Chỉ, 2) Việt Thường Thị, 3) Vũ Ninh, 4) Quân Ninh, 5) Gia Ninh, 6) Ninh Hải, 7) Lục Hải, 8) Thanh Tuyền, 9) Tân Xương, 10) Bình Văn, 11) Văn Lang, 12) Cửu Châu, 13) Nhật Nam, 14) Hoài Nam, 15) Cửu Đức.” [14]
Tất nhiên, vào thời Hoàng Đế, thì người Hoa Hạ hoàn toàn không liên quan gì tới người Bách Việt ở phía Nam, người Bách Việt đã lập quốc trước cả thời Hoàng Đế là văn hóa Lương Chử [15], và các văn hóa tộc Việt cũng ảnh hưởng sâu sắc tới các văn hóa Hoa Hạ [16], vậy sự ảnh hưởng là chiều ngược lại, chứ không có chuyện Hoàng Đế cho lập 15 bộ lạc được, nó cũng như những đề xuất về “phương quốc Lạc Việt” mà người Trung Quốc đã đề ra gần đây, đều mang tư tưởng thực dân, bá chủ, thậm chí bịa đặt, ngụy tạo lịch sử, đổi tắng thay đen nhằm mục đích nâng mình và hạ người.
“Đến đời Thành Vương nhà Chu Việt Thường Thị mới đem dâng chim bạch trĩ, sách Xuân Thu gọi là khuyết địa, sách Đái ký gọi là Điêu đề”. [14]
Câu này mặc dù là một sự kiện có thật, nhưng cách chép thì lại có ý cho rằng người Việt là phiên thuộc của người Hoa Hạ, ý tứ thì cũng như câu trên.
“Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên-ND) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.” [14]
Rõ ràng câu này cố ý gán ghép một mốc niên đại để làm sai lệch mốc thời gian thực tế, thêm vào đó lại nói thêm rằng “có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc“, chắc chắn đây là điều mà Tiền Hy Tộ đã thêm vào để làm sai lệch về nguồn gốc thời Hùng Vương, các chi tiết “có người lạ”, “dùng ảo thuật” được Tiền Hy Tộ thêm vào nhằm biến vua Hùng thành ngoại tộc, lập quốc bằng một phương cách ma quái chứ không hề có chính danh. Hùng Vương đầu tiên là con của Lạc Long Quân, là hậu duệ của họ Hồng Bàng trong vùng Dương Tử, đã lập quốc từ 4000 năm trước, nên chuyện mà đoạn trích bị sửa đổi này đề cập là hoàn toàn sai và không có cơ sở.
Tiếp tục, họ lại thêm vào sách này như sau: “Việt Vương Câu Tiễn (505 – 465 TCN) thường sai xứ sang dụ, Hùng Vương chống cự lại.” [14]
Việt Vương Câu Tiễn có gốc Hoa Hạ, nước Việt có tầng lớp tinh hoa là Hoa Hạ, nên Tiền Hy Tộ cũng cố ý gán ghép cũng nhằm mục đích biến người Việt thành phiên thuộc của các triều đại Hoa Hạ, nếu xét thực tế khảo cổ, thì ngược lại, trong văn hóa nước Việt lại có những ảnh hưởng từ văn hóa tộc Việt, tức là văn hóa Đông Sơn, tại vùng Chiết Giang đã tìm thấy một chiếc rìu tộc Việt, vốn là một biểu trưng quyền lực quan trọng của tộc Việt, tại đây cũng có cả trống đồng, là biểu trưng văn hóa cốt lõi của tộc Việt.
Rìu đồng và chuông trống Đông Sơn tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang; 2. [17]]
Cuối cùng, thì Tiền Hy Tộ đã thêm vào mốc thời gian nhà Chu để cố gắng gắn lịch sử người Việt vào lịch sử Hoa Hạ: “Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay.” [14]
Tựu chung lại, chúng ta có thể thấy rất rõ được những sửa đổi với mục đích xấu mà Tiền Hy Tộ và nhà Thanh đã thực hiện trong sách Việt sử lược. Sách ban đầu có lẽ đã có những lời lẽ đề cao về thời Hùng Vương, dấu tích có thể nhìn thấy ở chi tiết như “phong tục thuần lương chân chất”, nhưng qua sửa đổi của các học giả nhà Thanh, cuốn sách đã trở thành một câu chuyện nghịch lại với sự đề cao thời Hùng Vương như nguồn gốc quan trọng nhất của dân tộc Việt, biến Hùng Vương thành ngoại tộc, cũng như cố gắng biến người Việt thành một quốc gia phiên thuộc ngay từ thời Hoàng Đế, và liên tục trong các triều đại sau đó, quả thực là tư tưởng bá chủ, thực dân của họ chưa bao giờ thay đổi.
Tuy nhiên, thì qua những chi tiết nhắc về thời Hùng Vương trong Việt sử lược, thì có thể kết luận rằng thời kỳ Hùng Vương đã được nhà Trần công nhận và đưa vào tài liệu lịch sử, vì vậy, đây là sách chép sớm nhất về thời kỳ Hùng Vương mà người Việt còn giữ được.
III. Tổng kết:
Thông qua việc khảo cứu toàn diện các ghi chép lịch sử của cả Việt Nam, Trung Quốc và các câu chuyện truyền thuyết, dã sử được chép thành văn và các truyền thuyết truyền miệng của người Việt, thì rõ ràng người Việt luôn luôn nhận định chính xác từng tên gọi: Hùng Vương cho các vị vua Hùng, và tên quan của triều Hùng Vương cũng được xác định chính xác là Lạc Hầu và Lạc Tướng. Từ đó có thể thấy rằng tài liệu nhầm lẫn chính là các ghi chép của Trung Quốc, 4 tài liệu có chép về thời kỳ Hùng Vương đều có điểm chưa chính xác, do sự nhầm lẫn khi đồng nhất toàn bộ các khái niệm chỉ người Việt vào cùng một chữ.
Vì vậy, sự tranh cãi về các tên Hùng Vương hay Lạc Vương có lẽ không cần phải kéo dài thêm, sự đi sâu phân tích mặt chữ cũng không có nhiều tác dụng trong xác định chính xác tên gọi thời kỳ này. Về cơ bản, chúng ta có thể tin tưởng với đầy đủ cơ sở rằng, người Việt gọi thời kỳ cội nguồn dân tộc là Hùng Vương, và các chức danh dưới triều Hùng Vương chính xác là Lạc hầu, Lạc tướng, hoàn toàn không có sự nhầm lẫn như các tài liệu lịch sử Trung Quốc đã thể hiện.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/
[2] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển I – Kỷ Hồng Bàng thị, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[3] Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1976.
[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Tiền Biên, Quyển I. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản. Hà Nội, 1995.
[5] Ngô Thì Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, Họ Hồng Bàng. Văn Sử xuất bản. 1991.
[6] Thích Minh Tín (2014). Giới thiệu văn bia đời Trần xã Lại Yên, Hoài đức, Hà Nội Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 71-76.
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2294&Catid=723
[7] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[8] Lý Tế Xuyên, Việt Điện u linh tập, bản dịch Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961.
[9] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.
[10] Hậu Hán Thư, Quyển 86 – Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).
[11] Trần Trí Dõi, Trao đổi thêm về từ nguyên của yếu tố “lạc (luò 雒/駱)” trong tổ hợp “lạc việt (luòyuè 雒越)”. Bài Hội thảo Quốc tế ”Văn hóa tộc người Trung Quốc – ASEAN lần thứ 2 (The 2nd Chia-ASEAN Ethnic Cultural Forum)” ngày 13-16.4.2017 tại Quảng Tây, Trung Quốc và Hội thảo Quốc tế “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam (Modern Linguistic trends and Language Studies in Vietnam)” do Viện Ngôn ngữ học (Viên Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức ngày 22.4.2017 tại Hà Nội, Việt Nam. In trong tạp chí Bảo tàng&Nhân học, số 2 (18)-2017, tr 41-53 .ISSN: 0866-7616.
https://luocsutocviet.com/2019/08/23/414-tim-hieu-ve-thanh-to-lac-trong-khai-niem-lac-viet/
[12] M. Ferlus (2011), Les Baiyuè (百越) ou les “pays des (horticulteurs/mangeurs de) tubercules”. 24 ème JournéesdeLinguistique de l’Asie Orientale, 30 juin – 1er juillet 2011, Paris, 12 pp.
[13] Đinh Văn Tuấn, Tìm hiểu lại danh xưng Lạc vương và Hùng Vương. Tạp chí Ngôn Ngữ số 7/2016.
https://luocsutocviet.com/2019/06/18/326-tim-hieu-lai-danh-xung-lac-vuong-va-hung-vuong/
[14] Khuyết danh, Đại Việt Sử Lược, Nguyễn Gia Tường (dịch) Nhà xuất bản TP HCM, Bộ môn Châu Á học
Đại học tổng hợp TP HCM. 1993.
[15] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/
[16] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/
[17] Yang Yong 杨勇. Trên những chiếc trống đồng nhỏ được khai quật từ các lăng mộ Tây Hán ở Thượng Sơn, Anji, Chiết Giang 论浙江安吉上马山西汉墓出土的小铜鼓[J]. Văn hóa Đông Nam 东南文化,2017(01):90-95.