26/11/2024

Kinh nghiệm chụp ảnh sexy

 

 

Phần 1 – Kiếm mẫu

Phần này cũng dễ mà cũng khó, tuỳ theo mức độ quan hệ của người chụp. Có nhiều cách để kiếm mẫu

1. Model Mayhem – www.modelmayhem.com – đây là 1 website lớn, nổi tiếng trong giới người mẫu, người chụp hình, make up artist (MUA). Mình hay sử dụng nhất website này để kiếm mẫu mới cũng như mẫu chuyên nghiệp khi có 1 ý tưởng nào đó. Trong website chúng ta có thể chọn mẫu theo vùng, giới tính, màu da, chiều cao, số đo cũng, thể loại mẫu sẽ chụp, giá thuê cũng như xem portfolio của mẫu đã chụp trước đó. Mình cũng có thể setup 1 cái Casting call để mẫu tự liên hệ với mình.

2. Meet up . www.meetup.com – đây cũng là 1 website mình hay tham gia nếu lười đi kiếm mẫu. 1 người bạn photographer nào đó muốn chụp, họ đã mướn mẫu và studio, cần thêm người chụp để phụ chi phí. 1 buổi chụp như vậy thì khoảng 5-10 người, mỗi người sẽ tự chụp với mẫu trong 1 thời gian nhất định chứ không phải cả đám chụp 1 người. Vậy mỗi người sẽ có cách set đèn riêng, tạo dáng và sử dụng pose hoàn toàn riêng theo phong cách của mình.

3. Facebook group – Facebook có nhiều groups, đôi khi mình làm 1 cái casting call (không biết kêu tiếng Việt là gì nữa) để kiếm mẫu. Ví dụ như, đang kiếm mẫu chụp body painting, ngày/giờ đó, cần mẫu như thế này (chiều cao, số đo, etc.), trả tiền hay là TFP (Trade for Print, Trade for Portfolio, nghĩ sao cũng được).

4. Photographer friends – đây là dạng bạn bè hú nhau chụp chung cho vui, ai có mẫu đẹp mà muốn rủ chụp chung thì liên lạc với nhau

5. Mẫu giới thiệu mẫu – mình cũng có nhiều mẫu xem hình của bạn do mình chụp rồi liên lạc, hỏi giá để chụp hoặc xin chụp free (TFP) để làm phong phú cho portfolio. Tuỳ theo người mà mình chụp free hoặc tính tiền theo package.

6. Personal – đôi khi bạn bè quen biết nhau thì mình chụp – nhưng với thể loại glamour hoặc nude thì hình như mình chưa chụp ai quen bao giờ vì cũng có thể trở ngại tâm lý. Và cũng có thể do mình sợ vợ hiểu lầm thì chết, he he he.

2. Chọn mẫu

Nếu được mướn, tất nhiên mình không thể chọn lựa. Nhưng nếu mình có 1 ý tưởng (concept) mà mình muốn chụp, thì khâu chọn lựa mẫu cũng rất khó khăn.

Nude – không nhất thiết phải là body cực kỳ hoàn hảo thì mình mới chụp nude. Chỉ khi nào mình thật sự không hợp với mình thì mình mới không hợp tác, vài thí dụ nhé (nude lẫn bình thường)

a. Mình có 1 ý tưởng là chụp 1 người mẫu đi trong gió, mặc đầm dạ hội dài trên sân thượng. Với cái dress như vậy, mình cần một người có chiều cao hơn là 1 người có số đo vòng 1 lớn.

b. Nude: Mình quan trọng về cách pose và diễn xuất của mẫu. Mình thích có 1 khuôn mặt cá tính hơn là 1 body với ngực lớn. Biết cách pose, biết cách làm chủ cơ thể, làm chủ cơ bắp của mẫu là 1 tiêu chí hàng đầu của mình. Có nhiều pose rất khó, không phải chỉ vặn vẹo vào cái là xong đâu.

3. Hợp đồng và lên ý tưởng với mẫu

a. Hợp đồng – có vài loại hợp đồng, chắc chắn là anh Nikonian2006 sẽ rành hơn về vụ này. Mình có vài loại hợp đồng trong iPad. Mẫu và mình có thể thương lượng, chỉnh sửa những điều khoản trong đó. Nếu đồng ý, 2 bên ký ngay trong máy và email cho cả mình lẫn mẫu để có bản digital copy liền. Mình ví dụ 2 cái contract thông dụng

Model Release – đây là loại hợp đồng mình sử dụng nhiều nhất. Nó cho mình được quyền sở hữu hoàn toàn những tấm hình chụp ngày hôm đó, mình có thể dùng để bán, để quảng cáo, khoe bạn bè, dự thi, etc. Mẫu đôi khi thêm hoặc bớt những thứ trong đó. Ví dụ, mình có mẫu muốn tất cả hình, đẹp hay xấu đều phải đưa cho mẫu để mẫu tự nhìn lại bản thân coi khuyết điểm ở đâu về cách pose, cũng như cách diễn tả cảm xúc trên khuôn mặt. Có mẫu bắt phải cho coi/duyệt hình trước khi mình được sử dụng. Có mẫu bắt phải chỉnh sửa 1 số nơi trên cơ thể, cũng có mẫu yêu cầu không dùng tên thật của mẫu khi đăng hình mà chỉ được dùng nghệ danh. Model release của mình bắt buộc mẫu phải ghi tên thật, ngày sanh, địa chỉ để đảm bảo mẫu đủ tuổi chụp. Khi mình bán hình trên mấy stock website, hoặc submit cho magazine, họ đều bắt buộc mình phải submit cái Model Release cho họ.

Photoshoot – Đây là 1 hợp đồng dân sự đơn giản khi thân chủ mướn mình chụp, có thể ghi rõ ràng ngày, giờ chụp, chụp gì, giá tiền bao nhiêu. Mình (photographer) phải làm những gì và thân chủ sẽ trả tiền bao nhiêu.

b. Ý tưởng – thường thì mình liên lạc với model trước photoshoot để bàn về trang phục, thời gian, địa điểm, cách đi lại. Chứ để đến khi đi chụp mới nói thì đôi khi mẫu không có trang phục đúng như mình muốn, hoặc đến trễ quá giờ vàng để chụp, etc.

4. Chọn địa điểm 
– Theo cá nhân mình, chụp nude trong khách sạn là xấu nhất (và cũng ngại nhất). Nên mình 1 là chụp trong studio, 2 là chụp ngoại cảnh. Chụp trong studio thì có lợi thế là sử dụng được nhiều đèn, còn chụp ngoại cảnh thì thường chỉ sử dụng flash, hoặc không đèn vì phải đi vòng vòng xa xôi để tránh người.

Quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho mẫu, cũng như cho mình khi đi vào những nơi hoang vắng. Nên mình phải thông báo cho mẫu biết trước mình sẽ đi chỗ nào, mình sẽ làm những gì để đảm bảo an toàn cho mẫu. Nơi đó có cấm khoả thân không? Có rắn rết, thú dữ gì không? Nói chung là chuẩn bị càng nhiều thì đi càng yên tâm.

Thứ 2 là chọn địa điểm theo chủ đề, mình nghe bạn bè nói là muốn tổ chức 1 buổi chụp với mẫu trong rừng, mình ghi tên tham gia liền. Đó cũng là một bộ ảnh mình thích.

5. Thời gian và ánh sáng
(chia làm 2 phần nhỏ)

a. Trong Studio – Ánh sáng trong studio thì mình dễ làm chủ hơn. Thường thì mình sử dụng ít nhất là 3 đến 4 đèn, Main light, Key Light, Hair Light và back light là chính. Nếu biết rõ hơn thì chắc các bạn phải đi học 1 khoá để hiểu rõ. Mình sẽ cho vài ví dụ thôi, chứ nếu đi học lớp của các sư phụ thì chắc chắn là tốt hơn nhé.

Ví dụ 1 – Tấm này mình sử dụng Key Light full power bên phải với Softbox, fill light giảm 2 stop bên trái với softbox, hairlight trên đầu và background light chiếu vào tường trắng phía sau để làm trắng background. Có sử dụng thêm 1 cái quạt lớn để làm tóc mẫu bay bay.

Ví dụ 2 – Tấm này mình chỉ sử dụng 2 đèn – 1 Keylight 1600W với grid, và 1 cái đèn background. Tấm này mình chỉ muốn chiếu phần trên của mẫu và không cần thiết đến chân hoặc xung quanh.

Vị dụ 3 – Tấm này sử dụng đèn hơi rắc rối 1 tí vì cái gương. Mình sử dụng 1 cái đèn Buff – Whitelight 1600W trong cái Octo-box 5 feet làm key light. 1 cái 1600W giảm 3 stop làm hairlight. Cái Keylight phải rọi từ phía sau gương lên mặt mẫu, còn hair light thì phía bên phải của mẫu (ngang). Nếu chụp qua gương, phải rọi từ phía sau vào mặt mẫu, chứ nếu để bên trái, thì hình trong gương sẽ rất nhạt. Và vì đánh để background giữ màu đen, nên phải đánh hairlight ngang, nếu đánh từ sau lưng sẽ rọi sáng background và hết thấy màu đen.

b. On location (outdoor) – Chụp outdoor có 1 bất tiện là thiếu điện. Thường thì mình sử dụng 1 cái cục battery nhỏ của Paul C. Buff http://www.paulcbuff.com/vm120.php , nó có thể đủ điện để dùng cho 2 cái đèn 400W mình xài loại này Elinchrom D-Lite 400W vì nó gọn và đủ power. 1 lần charge đủ dùng cho khoảng 300 đến 400 tấm xài 2 đèn full power, hoặc nhiều hơn nữa khi sử dụng ít power hơn.

Khi chụp outdoor, chúng ta phải chú ý đến thời tiết, hướng chụp. Ví dụ, nếu ngày hôm đó được dư tính có gió lớn thì khỏi đi, vì gió sẽ thổi bay hết đèn nếu có gắn softbox hoặc strip box vào. Và phải tính toán coi mấy giờ mặt trời lặn để ra đón giờ chụp đẹp nhất. Cái này thì quý vị nào sống ở nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn. Ví dụ như nơi mình sống thì mùa hè mặt trời lặn lúc 9 giờ, còn mùa đông thì lặn lúc khoảng 3 giờ mấy, 4 giờ.

Sau đây, mình sẽ cho ví dụ cách sử dụng natural lighting, đèn, hoặc vừa đèn vừa natural lighting.

Natural lighting – Ánh sáng của mặt trời đôi khi là bạn tốt của ta, đôi khi cũng là kẻ thù. Nhưng mình biết rất nhiều người phải gọi là “phù thuỷ” khi họ nắm hết quy tắc lợi dụng ánh sáng mặt trời dù khi trời nắng gắt cũng như khi có mây. Nhưng nếu trời nắng gắt quá (giữa trưa) mà đem mẫu ra chụp là đảm bảo hư hình hết nếu không có đủ 1 đoàn người theo phụ che nắng, hắt sáng, đánh đèn, etc.

Tấm sau này mình chụp lúc xế chiều, khi nắng vừa chếch xuống đầu, và có sử dụng tấm hắt sáng để rọi sáng mẫu cho đều, nếu không làm vậy, background sẽ bị cháy, hoặc mẫu sẽ bị under exposure. Trường hợp này mình lợi dụng mặt trời làm key light và hairlight

Tấm này là hoàn toàn nguyên bản, xuất jpeg từ máy ra không hề qua chỉnh sửa. Mình chụp lúc trời có mây, sử đụng 1 đèn monolight 400W nhưng nhớ là mình đặt khoảng 5/6 công suất thì phải. Có sử dụng beauty dish để đánh ánh sáng mạnh hơn trên mặt.

1 thủ thuật nho nhỏ là nếu mẫu “thấp” quá, thì mình chỉ nên chụp trên đầu gối trở lên. Người nhìn vào sẽ không có cảm giác, hoặc không thể so sánh cơ thể mẫu để phán đoán mẫu cao hay thấp.

Tấm sau này là 1 trong những tấm khó chụp nhất của mình. Mẫu nhờ chụp để bán hình trong 1 cuộc thi gì đó. Thế là mình dẫn ra biển chụp hoàng hôn. Hôm đó quên đem theo tấm hắt sáng và gió mạnh.

Tấm này chụp với 2 đèn AlienBees B800, cái bên phải mẫu sử dụng stripbox (đèn giảm 2 stop) dài theo chiều cao của mẫu , 1 cái đặt phía trước bên trái với beauty dish (đèn full power). Chụp với F8, 1/250s và gắn thêm ND filter vào vì sáng quá. Mặt trời rọi thẳng vào máy nên không thể nào Auto Focus được, phải Manual Focus và chụp trong niềm tin vì mẫu lúc đó nhìn qua ống kính thì tối thui, chỉ chụp lên mới thấy kết quả. Mà thời gian mặt trời biến mất sau đường chân trời chỉ có khoảng 4-5 phút tối đa. Hú hồn khi cũng lôi ra được 3-4 tấm để mẫu rửa hình bán.

Tại sao mình lại sử dụng stripbox và beauty dish cho tấm này?

Strip box là 1 soft box dài hình chữ nhật đứng, nó sẽ đưa ánh sáng dọc theo chiều đứng của mẫu bên phải (fill light). Nó sẽ làm sáng tóc mẫu.

Beauty Dish phía trước có tác dụng sáng theo hướng mình muốn, mình có thể chỉnh theo ý mình muốn. Trong trường hợp này, vì mẫu rất thấp nên mình chỉ đánh từ mặt xuống đến đùi thôi. Và phải đánh ánh sáng mạnh vì mặt trời rất chói. Nếu đánh a’nh sáng yếu thì mặt sẽ bị underexposure. Nếu về chỉnh lại thì background sẽ bị cháy (dư sáng).

Và cuối cùng, mình sử dụng mặt trời như hair light. Làm nổi bật mẫu và tách mẫu ra khỏi background.

Quên nữa, nước biển rất lạnh (khoảng 10 độ C) nhưng mình bắt mẫu phải làm ướt tóc và áo để tăng thêm vẻ gợi cảm.

6. Posing

Posing thì khó mà giải thích được, vì còn tuỳ theo concept của mình chọn, mẫu, và location.

Nếu về nude thì cũng tuỳ theo dáng của mẫu, chiều cao, da. Và còn tuỳ theo nude sexy, hay nude art.

Nude sexy, cái này thì phần lớn sẽ được chụp trong hotel, pose kiểu này thuộc loại dễ nhất. Chụp sao cho thấy “hot” là vừa ý thôi. Bản thân mình thì khi pose mình sẽ hướng dẫn mẫu che đi những chỗ quá nhạy cảm. Nhất là mấy cái spread pose là mình không thích, spread nghĩa là dang 2 chân ra.

Nude art – cái này rất công phu về chơi đèn, pose sao không dung tục. Trình độ này thì cỡ bác Thái Phiên mới giải thích được cho các bạn, xin lỗi vì mình không đủ khả năng và kiến thức.

Glamour thì thuộc về trường phái sexy, càng sexy càng tốt nhưng không quá lộ liễu. Nói đúng ra thì mình chụp nghiêng về cái này nhiều hơn. Mình yêu cầu mẫu mặc lingerie, hoặc mình mua cho mẫu (nhớ xin phép vợ trước).

Vài kinh nghiệm, mẹo nhỏ

  • Nếu mẫu thấp, đừng chụp nguyên người, chụp từ trên đầu gối lên.
  • Tránh chụp từ dưới lên, sẽ thấy lỗ mũi mẫu, không đẹp.
  • Nếu da mẫu không đẹp lắm thì chụp xa, đừng chụp close up.
  • Muốn sexy lip, thì trước khi bấm máy, đếm 1-2-3, kêu mẫu bặm môi lại và nhả ra nhẹ nhàng. Lúc này môi sẽ nhìn sexy hơn.
  • Chụp thẳng trước mặt, kêu mẫu đẩy cái đầu ra phía trước 1 tí, sẽ làm khuông mặt có nhiều góc cạnh. Nhìn cá tính hơn.

7. Post Editing

Theo mình thì mình hạn chế lạm dụng photoshop để chỉnh da mẫu nhiều quá. Cái này cũng tuỳ theo mẫu thôi.

Nếu mẫu có thẹo trên cơ thể thì phần lớn mình sử dụng healing brush để xoá thẹo, hoặc mụn lớn, đỏ

Mắt là quan trọng nhất, thường thì mình làm mắt sáng hơn. Giống như xe vậy, lau kiếng xe sạch là mình cảm thấy xe sạch hơn. Nhớ chăm sóc vào đôi mắt nhiều hơn là làm da.

Trừ khi da mẫu quá xấu, hoặc mẫu yêu cầu làm da mịn màng, mình để yên làn da. Nếu các bạn có theo dõi hình của mình, phần lớn mình chụp trong máy ra và để yên nguyên. Có bạn hỏi mình tại sao không che khuyết điểm cho mẫu, hoặc sửa vòng 1 cho to lên, vòng 3 cho tròn trịa? Quan điểm của mình là tạo hoá làm sao thì để vậy. Khả năng mình sửa thì được, nhìn sẽ không ra, nhưng làm riết sẽ quen tay, lạm dụng và lúc đó nhìn mẫu trong hình và ngoài đời sẽ rất khác. Đó chỉ là ý kiến cá nhân thôi, còn nếu làm cho magazine đăng quảng cáo thì tất nhiên phải làm đàng hoàng vì đó là người ta yêu cầu.

8. Giao hình

Sau bữa chụp thì mình thường làm hình liền cho mẫu trong đêm hoặc ngày hôm sau tuỳ theo thoả thuận. Mỗi buổi chụp 1-2 tiếng thường thì sẽ có khoảng 100 đến 150 shot tối đa. Và mình thường giao cho mẫu khoảng 5 đến 10 tấm ngay sau đó. Còn lại thì nếu hứng sẽ làm tiếp trong tương lai. Mình biết vài người chụp khoảng 1 ngàn tấm với mẫu trong khoảng 5-6 tiếng session mà chỉ chọn được 1-2 tấm chính và 5-6 tấm back up thôi. Đó là những professional trong ngành và họ rất kỹ trong việc chọn lựa hình và edit hình.

Mỗi tấm hình khi giao cho mẫu hoặc giao cho khách hàng là sản phẩm của mình, sẽ tạo ra uy tín hay bị người ta chê là tuỳ thuộc vào những tấm hình này. Nên bắt buộc mỗi tấm làm ra phải được mẫu (khách hàng) vui vẻ và tạo danh tiếng cho người cầm máy.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận