Lê Lợi có “Đa nghi”, “Tàn sát công thần”?

Cách đây vài ngày, có bạn có đăng bài viết nói rằng vua Lê Lợi là người đa nghi, sát hại công thần, nguyên văn như sau:

“Lê Lợi – Lê Thái Tổ là một vị vua không đơn giản. Nhà Lê dưới thời ông được dựng lên từ chiến trận, với sự đóng góp của các công thần trụ cột, nên ông đã dùng một cách quản lý theo kiểu Chu Nguyên Chương hay Lưu Bang mà ta gặp bên Trung Quốc”

Mà cách quản lý của Chu Nguyên Chương, vua thiết lập nhà Minh đối với công thàn như nào thì cả người Việt lẫn Trung đều rõ: Tàn sát công thần, những người đã giúp vua lập nên triều đại..

Tàn sát, theo từ điển tiếng Việt, là giết người với số lượng lớn, nhưng nếu có người nói Lê Lợi làm vậy với những công thần nhà Lê tức là người đó tìm hiểu chưa kỹ lịch sử, hiểu lầm về Lê Lợi. Bây giờ chúng ta cùng tra cứu lại sách sử thời đó là hiểu rõ.

Tổng cộng có 93 công thần nhà Lê…

Sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi thưởng chức tước cho 93 vị công thần:

“Tháng 5, ngày mồng 3, ban biển ngạch công thần cho 93 viên: Huyện thượng hầu 3 người là Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo. Á thượng hầu 1 người là Lê Ngân. Hương thượng hầu 3 người là Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng,v.v…” (ĐVSKTT, tr366).

Trong số 93 người này, Lê Lợi mới chỉ trực tiếp giết đúng 1 người là Phạm Văn Xảo.

Về trường hợp Phạm Văn Xảo:

Sách ĐVSKTT không chép việc này, còn sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn thì khẳng định rằng Phạm Văn Xảo đã liên kết với 1 tù trưởng dân tộc Thái ở Lai Châu là Đèo Cát Hãn để nổi loạn:

“Vì thổ tù Đèo Cát Hãn ở Mường Lê thông đồng với Phạm Văn Xảo làm loạn, lại liên kết với nghịch thần nước Ai Lao (Lào ngày nay) là Kha Lại, xâm lấn đất Mường Mỗi, vua bèn sai Tư đồ Lê Sát và Quốc vương Tư Tề dẫn quân đánh Mường Lễ,, rồi vua lại thân chinh” (Đại Việt Thông Sử, trang 113).

Sau khi chiến thắng trở về, Lê Lợi đã khẳng định lại điều đó trong tờ chiếu:

“.. năm nay Cát Hãn nổi loạn, là do âm mưu của Xảo (Phạm Văn Xảo)..”

(Đại Việt Thông Sử, tr116)

Mặc dù Lê Quý Đôn khi viết riêng về Phạm Văn Xảo có phần mâu thuẫn khi cho rằng Lê Lợi ở những năm cuối đời hối hận về việc giết Phạm Văn Xảo, nhưng chẳng có căn cứ gì cả. Bài chiếu Lê Lợi viết vào cuối năm 1432, một năm trước khi ông mất vẫn là:

“Phàm bầy tôi, nên lấy tên Hãn, tên Xảo làm răn..” (Đại Việt Thông Sử, tr116). Tức là ông vẫn không thay đổi suy nghĩ. Ở câu trên còn có cả Hãn, tức là Trần Nguyên Hãn, một công thân khác.

Đối với trường hợp của Trần Nguyên Hãn:

Dù câu trên có nói Trần Nguyên Hãn có tội, thực tế Lê Lợi mới chỉ dừng ở việc triệu tập Trần Nguyên Hãn về hỏi tội vì nghi ngờ mưu phản, chứ chưa xét xử. Và những nghi ngờ của vua Lê Lợi hoàn toàn có cơ sở:

Trần Nguyên Hãn vốn là con cháu của tư đồ Trần Nguyên Đán, là quý tộc nhà Trần ở triều đại trước, nỗi lo quý tộc triều đại trước khôi phục lại quyền lực là nỗi lo chính đáng. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là dòng dõi của Trần Nguyên Đán, vậy mà không bị Lê Lợi nghi ngờ?

Đó là bởi vì dù Nguyên Hãn đã xin về hưu sớm nhưng ông vẫn làm nhiều việc mờ ám:

“Ông (Hãn) về làm làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa, đóng thuyền chở binh khí” (Đại Việt Thông Sử, tr234).

“Hãn xây dựng phủ đệ, đóng thuyền, không giữ gìn hình tích”

(Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tr401)

Những việc này khiến nhiều người nghi ngờ và tố cáo với vua. Lê Lợi mới chỉ sai người đến bắt về hỏi tội, ông đã tự tử, đó là năm 1429.

Đến năm 1432, sau khi dẹp loạn ở Lai Châu, Lê Lợi khẳng định Trần Nguyên Hãn có liên quan đến một cuộc nổi loạn ở năm 1430:

“Trẫm xét, kẻ loạn thần tặc tử, thì ai ai cũng muốn giết chết. Năm ngoái, thằng Khắc Thiệu ở Thái Nguyên mưu làm phản, đích thị là do thằng Hãn (Trần Nguyên Hãn) âm mưu…” (Đại Việt Thông Sử, tr118). (Tức là Nguyên Hãn âm mưu từ trước)

Như vậy, trong 6 năm Lê Lợi cai trị, thực tế chỉ có 1 công thần bị xử tử là Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn thì ở mức nghi ngờ, còn 1 công thần khác là Nguyễn Chích bị Lê Lợi cách chức, đến thời vua sau được phục chức, không rõ tội trạng là gì.

Đối với Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, sử liệu thời sau còn mâu thuẫn về việc liệu 2 người có oan hay không, nhưng quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là 3 người đó. Còn lại 90 công thần kia vẫn béo tốt, sống khỏe. Dẫu sau này có nhiều người bị giết, nhưng những người này tự tranh giành quyền lực, tự giết lẫn nhau, hoàn toàn không liên quan đến Lê Lợi, vì lúc đấy ổng mất rồi, người chết sao giết được người sống?

Lê Lợi “đa nghi”?

Nếu Lê Lợi thực sự đa nghi thì ông đã chẳng trọng dụng Nguyễn Trãi, 1 người dòng dõi nhà Trần (Cháu ngoại Trần Nguyên Đán), cho ông làm tận chức Nhập Nội Hành Khiển (đứng đầu quan văn). Trong khi ở triều đại trước, Trần Thủ Độ lại chủ trương “nhổ cỏ tận gốc”, giết rất nhiều tôn thất nhà Lý, bắt đổi sang họ Nguyễn, và không cho nắm giữ quyền lực. Lê Lợi cũng trọng dụng cả những người từng làm quan cho nhà Minh:

“Những bậc hào kiệt trong thiên hạ vì sót lọt chìm lịm không ai tiến cử, hoặc có kẻ thù hằn chèn ép mà bị che đậy dập vùi, không bởi đâu ló mình ra được. Vậy ai nấy đều được phép đến chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh để xét rõ sự thực rồi tâu lên để bổ dụng, chứ không câu nệ là ngụy quan, là nhân sĩ hay thứ dân, miễn chỉ chuộng lấy người có tài có đức.”

(Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tr403)

Kết luận:

Mình nghĩ với 1 người bị cách chức, 1 người tự tử và 1 người bị xử tử trên tổng số 93 công thần thời nhà Lê, với việc tin dùng người có dòng dõi của triều đại trước, thật là vô lý để nói Lê Lợi “đa nghi, tàn sát công thần giống Chu Nguyên Chương”.

Tài liệu tham khảo:
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Đại VIệt Thông Sử
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Nguồn ảnh: Group Sương Khói Đông Kinh – 東京霧煙
Họa sĩ: @Tree

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận