Mạc thị công chúa

Mạc thị công chúa (không rõ tên), là con gái của vua Mạc Kính Khoan. Nữ nhân dòng dõi tôn quý vậy mà “phấn son chẳng thích, kiếm cung lại thường” thật là hiếm có xưa nay. Tiếc thay chính sử không có nhiều ghi chép về bà.

Năm 1623, nhằm lúc chúa Trịnh Tùng sắp lâm chung, con thứ là Trịnh Xuân nổi loạn để tranh quyền kế vị. Vương thế tử Trịnh Tráng sai người lừa bắt và giết được Trịnh Xuân, nhưng đám loạn quân của ông ta vẫn đánh phá khắp Thăng Long.

 

Trịnh Tráng mới phải đưa vua Lê về Thanh Hoa. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để giành lại kinh đô khôi phục nhà Mạc, nên vua Mạc Kính Khoan liền đem vài vạn quân từ Cao Bằng đánh xuống Trường Yên, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc. Mạc thị công chúa cũng theo cha tham gia chiến dịch này.

Ngày 28 tháng 8 cùng năm, vua Lê sắc phong Trịnh Tráng làm tả tướng thái phó Thanh quốc công, trao quyền thống lĩnh tất cả các quân thủy bộ. Trịnh Tráng liền dâng biểu xin rước ngự giá trở về Thăng Long. Dọc đường quân Trịnh tiến đánh, quân Mạc không chống lại nổi, buộc phải rút lui về Cao Bằng. Mạc thị công chúa vì đem quân ở lại chặn hậu mà hi sinh.

Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí chép về cái chết của bà như sau:

“Thanh quốc công tiếp tục tiến quân. Đến xứ Điện Chùy gặp vua nhà Mạc là Mạc Kính Khoan đem quân vây đánh. Thanh quốc công thúc quân tiến gấp như gió thổi mây cuộn. Quân Mạc cả kinh, biết thế lực không chống cự nổi, vội co đầu lạnh gáy nhằm theo núi Vân mà chạy không dám ngoái lại.
Con gái Mạc Kính Khoan là vợ Kỳ quận công tiến lên phía trước nói với Mạc Kính Khoan:

– Xin phụ vương cho phép, con tuy là phận gái nhưng cũng có chí khí nam nhi anh hùng, xin phụ vương cho đem quân đi chặt đường chặn đánh, chém đầu quân địch để rạng mặt nữ lưu hào kiệt. Còn phụ vương xin tìm đường thoái lui ngay, chớ nên nấn ná lâu nơi này.

Nói đoạn Mạc thị liền dàn quân đợi đại binh Thanh quận công kéo tới. Quân hai bên đánh lớn một trận. Rốt cuộc Mạc thị là phận gái, sức không địch nổi, bị quân Trịnh đâm trúng trong đám loạn quân, chết tại trận. Quân Mạc thua to tìm đường chạy trốn.”

—-
Ấm Chè lạm bàn:

Những lời chép trên phần nhiều khinh bạc, là lời kẻ thắng tự thích vuốt đuôi. Kì thực họ Mạc theo kế tránh voi, Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn phải lúc lâm chung từng dặn:

“Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”

Vua Mạc Kính Khoan tuân theo kế ấy mà làm, trước đó mấy lần Trịnh Tráng, Trịnh Xuân tiến đánh Cao Bằng ông đều lẩn tránh, nhẫn nại đợi thời. Nếu không theo kế ấy dễ gì có được vài vạn quân vây đánh Thăng Long. Rút lui đúng lúc, tiến đánh đúng thời là đạo của kẻ trí. Chẳng thể vì dũng mà vô mưu, lại không vì sợ mà thoái chí.

Khen thay Mạc Thị công chúa, không tiếc thân ngà ngọc hi sinh để bảo vệ vua cha cùng toàn quân rút lui thật vẹn toàn trung hiếu.
Hổ thẹn thay quân Trịnh giết một nữ nhân mà tưởng như toàn thắng. Đến đất Cao Bằng thì liệu có phải cũng “co đầu lạnh gáy” hay chăng.

__________________

先鋒斬敌將 Tiên phong trảm địch tướng
馬上一英姐 Mã thượng nhất anh thư
何待知男子 Hà đãi tri nam tử
揮槍報國讐 Huy thương báo quốc thù.

(Tuyến đầu xông giết địch
Trên ngựa một anh thư
Cần đợi chi trai lứa
Vung thương rửa mối thù.)

Quốc Phong cẩn bái.

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận