Mạn đàm: Trần Thủ Độ – Anh hùng hay Gian hùng?

TRẦN THỦ ĐỘ – ANH HÙNG HAY GIAN HÙNG

Trần Thủ Độ (1194 – 1264), là một quyền thần có ảnh hưởng lớn của triều đại nhà Trần, có vai trò lớn trong việc họ Trần đoạt ngôi nhà Lý. Ông là người thực tế nắm quyền của triều đại này trong khoảng thời gian dài, từ1226 đến khi ông qua đời vào năm 1264, khoảng 38 năm.
Trần Thủ Độ sinh tại hương Tức Mặc, phủ Long Hưng, nay thuộc tỉnh Thái Bình, Việt Nam, thuộc thành viên của hoàng tộc họ Trần. Đánh giá về Trần Thủ Độ, có nhiều luồng dư luận trái chiều, ông là người có công sáng lập nhà Trần, ý kiến khác lại cho rằng ông là người đáng chê trách khi giết hại hoàng đế Lý Huệ Tông.
Sau khi qua đời, ông được Trần Thái Tông tôn thụy hiệu là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương

Đưa nhà Trần lên ngôi

Từ đầu thế kỷ 13, do có công dẹp loạn Quách Bốc, dòng họ Trần đứng đầu là Đại tướng quân Trần Tự Khánh đã nắm quyền thao túng chính trường nhà Lý. Sau khi Trần Tự Khánh qua đời (1223), Trần Thủ Độ thực sự là người thay thế nắm binh quyền trong triều. Đối với nhà Lý, ông tỏ ra còn cứng rắn hơn Trần Tự Khánh.
Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ (殿前指揮使). Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung có 2 con gái, người em tên là Lý Thiên Hinh (李天馨), được phong là Chiêu Thánh công chúa. Trần hoàng hậu là chị họ của ông, người ta cho rằng từ thời trẻ hai người đã phải lòng nhau, nhưng vì dòng họ mà Trần thị phải lấy Huệ Tông, khi đó đang là Thái tử chạy loạn trong sự biến Quách Bốc. Trần Thủ Độ đã ra sức ép buộc Huệ Tông bỏ ngôi lên làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Chiêu Thánh công chúa. Năm đó, Chiêu Thánh lên ngôi tức là Lý Chiêu Hoàng, trở thành vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, khi lên ngôi bà chỉ vừa lên 7 tuổi.
Muốn đoạt ngôi hẳn về họ Trần, Trần Thủ Độ tìm cách đưa con của anh thứ Trần Thừa là Trần Cảnh, mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để chuyển ngai vàng sang họ Trần vào cuối năm 1225. Thượng hoàng Huệ Tông đi tu, truất làm Huệ Quang đại sư, Trần Cảnh lên ngôi tức Thái Tông hoàng đế của triều Trần.
Nhà Trần thành lập, ông được phong là Thái sư, tước Quốc thượng phụ, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần.
Để củng cố quyền lực nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều. Năm 1232, nhân lúc tông thất nhà Lý về quê ngoại ở làng Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm lễ cúng tổ tiên, ông đã làm bẫy sập chôn sống nhiều tôn thất nhà Lý, bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu họa.
Sau khi triều Lý bị phế bỏ, Trần Thủ Độ đã lấy Linh Từ quốc mẫu làm vợ, vốn là hoàng hậu của Lý Huệ Tông. Trong việc mưu toan ép buộc Huệ Tông và lập Chiêu Hoàng, cũng như việc sắp đặt Chiêu Hoàng lấy Thái Tông hoàng đế, đều có vai trò rất lớn của ông và Quốc mẫu.
Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh, khi vợ ông là Linh Từ quốc mẫu có xin riêng cho một người làm Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: “Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt.” Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa.
Một hôm, Thiên Cực công chúa đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà trở về nhà thuật lại và khóc: “…Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!” Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: “Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa”, sau đó ban thưởng cho người này.
Lại có người thấy ông có nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông tâu rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ, nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói.” Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy.

Phế lập Hoàng hậu

Thái Tông hoàng đế và Lý hoàng hậu lấy nhau đã lâu, sau khi Hoàng thái tử Trần Trịnh chết yểu vào năm 1233, Lý hoàng hậu không sinh thêm được người con nào. Vì lo sợ dòng máu hoàng thất không truyền được, Thái sư cùng Quốc mẫu bàn cách giải quyết.
Năm 1236, Thái sư ép Thái Tông hoàng đế phế truất Lý hoàng hậu, và còn ép ông lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa – vợ của Hoài vương Trần Liễu, chính là chị ruột của Lý hoàng hậu. Lúc này, Thuận Thiên công chúa đã có mang sẵn với Trần Liễu được 3 tháng. Việc đó khiến Trần Liễu thù hận cất quân nổi loạn và Thái Tông phải bỏ đi lên chùa. Nhưng trước sức ép cứng rắn của Trần Thủ Độ, Thái Tông quay trở lại kinh sư, còn Hoài vương Trần Liễu sau khi thất bại cũng phải hàng phục và được phong làm An Sinh vương ở Kinh Môn (Hải Dương).
Tuy nhiên, người con của An Sinh vương mà Trần Thủ Độ sắp đặt để làm con Thái Tông hoàng đế, tức là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, cũng không được làm Hoàng thái tử dù là con trưởng. Năm 1240, Lý Kế hậu sinh được Trần Hoảng, lập làm Hoàng thái tử.

Chống giặc Mông Cổ

Ngày 12, tháng 12, năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Trần Thái Tông đích thân đốc chiến, thế giặc mạnh, nhà vua lui quân về sông Lô, rồi lui về sông Thiên Mạc. Nhà vua ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu kế sách chống quân Mông Cổ, Nhật Hiệu chấm nước viết chữ lên hai chữNhập Tống. Nhà vua lại hỏi quân Tinh Cương, quân do Nhật Hiệu chỉ huy, Nhật Hiệu nói rằng Không gọi được chúng đến. Nhà vua lại dời thuyền đến hỏi Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời:
“Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”
Ngày 24, tháng 12, năm 1257, Trần Thái Tông tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Nguyên, khiến đội quân này phải rút chạy về Bắc.
Năm 1264, mùa xuân, tháng Giêng, Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, thọ 71 tuổi. Được truy tặng là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương.
“Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông hoàng đế có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết (Lý Huệ Tông) thì khó lẩn tránh với đời sau vậy”—Đại Việt sử ký toàn thư – Trần Thái Tông bản kỷ
Trần Thủ Độ tuy không đỗ đạt khoa cử nhưng mưu lược hơn người, không chỉ là quyền thần nhà Lý mà là quyền thần của ngay nhà Trần. Đối với nhân dân Đại Việt nói chung, lúc đó và sau này, việc làm của ông đóng vai trò tích cực. Ông giúp nhà Trần bình phục được giặc giã trong nước, làm cho Đại Việt bấy giờ được cường thịnh trở lại sau hồi suy yếu cuối thời Lý, và đó chính là cơ sở để đủ sức lực và tinh thần chống cự được với Mông Cổ.
Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng sự thay thế của nhà Trần đối với nhà Lý trong thời điểm đó – mà sự thay thế và xây dựng ban đầu không thể không nói tới Trần Thủ Độ – có vai trò quyết định sự tồn vong của Đại Việt trước nguy cơ ào tới của vó ngựa Mông mà Trung Hoa lớn mạnh ở phương Bắc cũng không trụ nổi.

Sử chép: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.“

PS: Bài viết được sưu tầm, mang ý kiến quan điểm cá nhân, không phải là kết luận lịch sử.
Chúc các bạn có những phút giây thư giãn bổ ích, lý thú. Trân trọng!

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận