31/10/2024

“Mổ xẻ” 3 vị Pha-ra-ông huyền bí của Ai Cập cổ đại

Các Pha-ra-ông Ai Cập cổ đại được coi như hiện thân của các vị thần, nắm trong tay quyền sinh tử của mọi người. Xuyên suốt 3.000 năm lịch sử của Ai Cập cổ đại, đã có khoảng 170 Pha-ra-ông lên ngôi và cai trị đất nước. Ngai vàng của các triều đại Ai Cập chủ yếu là “cha truyền con nối”, nhưng trong nhiều trường hợp, truyền thống này bị gián đoạn bởi những âm mưu ám sát, cướp ngôi.

Các Pha-ra-ông thường kết hôn với con gái, cháu gái hoặc chị em của mình vì họ cho rằng đó là cách duy nhất để duy trì “dòng máu hoàng gia”. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra sự phức tạp trong lịch sử Ai Cập cổ đại; chưa kể là nếu nhìn nhận ở góc độ khoa học, việc làm trên sẽ gây ra hiện tượng thoái hóa giống do giao phối cận huyết.

1. Pha-ra-ông Menes


Pha-ra-ông Menes được cho là vị vua sáng lập ra Vương triều Ai Cập đầu tiên, cách đây khoảng 3.100 năm TCN. Tuy vậy, theo một số ghi chép lịch sử, Pha-ra-ông Menes có thể là một vị vua được hư cấu trong thần thoại giống như Romulus và Remus, cặp song sinh sáng lập ra nền văn minh La Mã cổ đại.


Tượng đá miêu tả chân dung Pha-ra-ông Menes.

Truyền thuyết Ai Cập cổ cho rằng Pha-ra-ông Menes là người đã hợp nhất vùng Thượng và Hạ Ai Cập thành một vương quốc, trở thành người đầu tiên trị vì đất nước. Vị Pha-ra-ông này từng được nhắc đến dưới nhiều cái tên khác nhau (Min, Meni…) trong những ghi chép lịch sử của các nền văn minh Hy Lạp cổ đại hay thậm chí là các vương triều Ai Cập cổ.


Di tích thành cổ Memphis cùng tượng nhân sư mang mặt vị Pha-ra-ông này.

Ông là người cho xây thành Memphis (Ai Cập) – ngôi thành lớn nhất thế giới thời đó, rồi lấy đây làm kinh đô. Theo truyền thuyết, sau khi trị vì vương quốc được 62 năm, Menes bị… hà mã giết chết trong một tai nạn.

2. Pha-ra-ông Tutankhamun (thường gọi là vua Tut)

Có lẽ, vị vua nổi tiếng nhất trong các triều đại Ai Cập cổ không ai khác chính là Pha-ra-ông Tutankhamun, hay còn được gọi là vua Tut. Theo nhiều nghiên cứu, ông được cho là vị vua thứ 12 trị vì triều đại Ai Cập thứ 18. Bằng nhiều phép tính khác nhau, các nhà khoa học cho rằng Pha-ra-ông Tutankhamun trị vì Ai Cập từ năm 1334 – 1325 TCN.

Pha-ra-ông Tutankhamun qua đời khi còn rất trẻ (18 tuổi). Cái chết bí ẩn của vua trẻ này đã khiến cả thế giới quan tâm khi lăng mộ của ông lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1922. Sau khi vua Tut qua đời, quan đại thần Ay (vốn là bác ruột của nhà vua) lên ngôi, trở thành vị Pha-ra-ông cuối cùng của vương triều thứ 18.

Rất nhiều giả thiết về cái chết của vị vua này được đưa ra và hầu hết đều nghiêng về một vụ ám sát. Trong nỗ lực hóa giải bí ẩn, các nhà khoa học đã chụp cắt lớp xác ướp 3.000 năm của vị vua Ai Cập cổ đại. Họ tìm ra mảnh xương gãy trên sọ của ông nhưng cho rằng vết nứt trên xương xuất hiện có thể do ông bị ngã hoặc một tai nạn trong quá trình ướp xác. Cho đến năm 2005, bằng kỹ thuật Y khoa hiện đại, người ta đã tìm ra nguyên nhân cái chết của Pha-ra-ông Tutankhamun: Bệnh sốt rét.


Đội nghiên cứu phát hiện ra ngài từng bị gãy chân và đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết đầy tranh cãi của vị Pha-ra-ông trẻ tuổi. Thông thường, một người khó lòng “từ giã cõi đời” chỉ vì chiếc chân gẫy của mình nhưng dưới “bàn tay” của bệnh sốt rét, đây sẽ là một câu chuyện khác. Theo kết quả xét nghiệm ADN từ mẫu các xác ướp có trong lăng mộ, vua Tut đã nhiễm vi-rút sốt rét và khiến chuyện gãy chân của ngài trở thành mối hiểm họa thực sự, ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống.

Tương truyền, sau khi qua đời, vua Tut được chôn cùng rất nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Chính vì vậy mà lăng mộ của vị Pha-ra-ông này luôn là mục tiêu được bọn đào trộm mộ ưu tiên.

Lăng mộ vua Tut nổi tiếng vì các lời nguyền và những cái chết xoay quanh nó. Theo ghi chép, trong khi khám phá mộ Pha-ra-ông Tutankhamun, Huân tước Carnarvon đã thấy một dòng chữ: “Cái chết sẽ nhanh chóng đến với ngươi nếu dám xâm phạm sự thanh bình của Hoàng đế…”. Bất chấp lời cảnh báo, các nhà khảo cổ vẫn tiến hành công việc của mình. Hậu quả là ngay sau cuộc khai quật, nhà khảo cổ Carnarvon đã qua đời. Người ta lập tức cho rằng ông là một nạn nhân của lời nguyền.

Sau này, “lời nguyền” còn đeo bám rất nhiều người có liên quan đến cuộc khai quật như cậu em cùng cha khác mẹ của Huân tước Carnarvon, nữ hộ lý của ông, nhà tỷ phú Mỹ từng vào thăm hầm mộ, người thợ chụp ảnh và bác sĩ trực tiếp khám nghiệm xác ước, vợ Huân tước – bà Almina… Tuy nhiên, dưới góc nhìn của khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân thực sự của những cái chết này: Họ đã hít phải khí độc trong hầm mộ cũng như các vi khuẩn độc hại có trên xác ướp. Thực tế, với sự thiếu hiểu biết, người dân Ai Cập đã thêu dệt nên các “lời nguyền độc đoán của Pha-ra-ông”.


3. Pha-ra-ông Ramesses II

Pha-ra-ông Ramesses II, hay còn được biết đến với tên Ramesses Đại đế, Ramses II hay Ozymandias theo nguồn tiếng Hy Lạp, được ghi nhận là một trong những vị vua vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ. Các nhà văn người Hy Lạp cổ đại như Herodotus cho rằng những thành công của ông dẫn tới huyền thoại về Sesostris (Pha-ra-ông với tài cầm quân vĩ đại, hiện chưa được xác định rõ là vua Ramesses II hay Seti I). Những người thừa kế vua Ramesses II, cũng như nhiều người Ai Cập cổ sau này, gọi ngài là “Ông tổ vĩ đại”, người cha của quốc gia.



Tượng đá Pha-ra-ông Ramesses II.

Pha-ra-ông Ramesses II được sinh vào khoảng năm 1303 TCN. Ở tuổi 14, ông được vua cha Seti I chọn làm thái tử kế vị. Theo nhiều tài liệu, Ramesses Đại đế lên ngôi vua khi mới ngoài 20 tuổi, cai trị Ai Cập từ 1279 TCN – 1213 TCN (tổng cộng khoảng 66 năm 2 tháng theo Manetho). Ông là một trong những nhân vật thời xưa duy nhất được tin là sống đến 99 tuổi. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khảo cổ, giả thiết ông qua đời khi ở tuổi 90 hoặc 91 thì hợp lí hơn.


Hình ảnh oai vệ của Ramesses trên cỗ xe ngựa.

Sau khi qua đời, Pha-ra-ông Ramesses được chôn tại “Thung lũng các vị vua”. Thi hài ông sau này đã được đưa tới nhà xác Hoàng gia, nơi nó được tìm thấy năm 1881, và hiện nay là tại bảo tàng Ai Cập ở Cairo.


Tượng Ramesses II trước cửa đền thờ Abu Simbel.
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận