Binh chế nhà Trần chia một đơn vị nhỏ nhất thành một ngũ, nghĩa là cứ lấy năm người lính làm thành một ngũ, đứng đầu một ngũ là ngũ trưởng. Cứ 5 ngũ hợp lại thành một đô, 30 đô hợp lại thì thành một quân.Không có ghi chép miêu tả, hoặc quy ước chi tiết những trang bị cơ bản của quân đội nhà Trần.
Dựa theo An Nam tức sự của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu thì quân binh địa phương khi có việc mới được gọi ra, vũ khí tự trang bị gồm tiêu thương (lao), dược nỗ (nỏ bắn tên tẩm thuốc độc), và gậy gộc.
Quân đội nhà Trần còn trang bị những tấm mộc lớn dùng trong chiến trận để che chắn tên đạn, nhưng những tấm chắn này thường to và nặng vì vậy khi tháo chạy thường không tiện mang theo. Trong trận Bình Lệ Nguyên, khi Lê Phụ Trần đưa vua lên thuyền chạy, quân Nguyên Mông trên bờ cưỡi ngựa bắn cung theo, vì không có mộc nên buộc phải lấy ván thuyền để che cho vua.
Dựa theo hiện vật, và các nguồn tư liệu khác thì còn có các loại binh khí như sóc (giáo dài), câu liêm (móc sắt cong và dài gắn trên đầu gậy). Trong đó câu liêm tỏ ra khá hữu dụng, món vũ khí dài này được cho có thể dùng móc chân ngựa, móc người cưỡi ngựa đều được. Câu liêm cũng được dùng trong thủy chiến, trong trận Bạch Đằng (4/1288), tướng giặc là Phàn Tiếp bị té xuống sông, quân ta lấy câu liêm móc lên bắt sống.
Vũ khí tầm xa chủ yếu là nỏ, theo Trần Phù thì quân Trần không có cung tiễn, vì tên dùng tẩm độc nên gọi là dược nỏ. Điều này không hoàn toàn chính xác, do Trần Phù chỉ thấy những đội dân binh địa phương. Trong Hịch Tướng Sĩ có khuyên dạy binh sĩ luyện tập cung tên để tài giỏi như Bàng Mông, Hậu Nghệ. Nhưng nỏ là thứ vũ khí dễ sử dụng hơn cung, người dùng không cần phải luyện tập nhiều để thành thạo là phù hợp để trang bị cho những tráng đinh. Với tên tẩm độc rất hiệu quả khi đặt phục binh hoặc lối đánh du kích, theo Nguyên sử và Đại Việt sử ký năm 1285 lúc quân Nguyên rút chạy về nước đến địa phận Vĩnh Bình, bị quân nhà Trần đuổi đánh, tướng Lý Hằng ở lại chặn hậu bị trúng tên độc chết, Thoát Hoan sợ hãi phải chui vào ống đồng rồi cho binh lính khiêng đi để tránh tên đạn.
Vũ khí đặc dị thì trong sách Phật Hoàng Trần Nhân Tông con người và tác phẩm của tiến sĩ Lê Mạnh Thát (xb 1999) nhắc đến ống thổi tiêu, là một cái ống dài (có thể là làm bằng sậy hoặc trúc) và gọi nó là Thủy nỗ(?) hoặc Xa Sá(?) (nguồn dẫn của tiến sĩ Lê Mạnh Thát có thể nhầm lẫn), người lính nạp mũi tên nhỏ tẩm độc vào ống, dùng hơi thổi đi. Trong sách vẽ Kĩ nghệ người An Nam cũng có vẽ món vũ khí này. (Nên tôi ghi lại để tham khảo.)
Món vũ khí này nhẹ, không thấy được hướng tên bắn tới, dùng để ẩn nấp trong quân, trong rừng bắn người và ngựa đều được. Điểm yếu là mũi tên nhỏ, vết thương nông, nên chỉ bắn được vào những chỗ không có giáp che chắn.
Ngoài ra có các món vũ khí cùn như gậy gộc cũng được sử dụng, trong tranh Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ thấy binh sĩ theo hầu cầm nhiều cây chùy dài. Chùy là cục sắt hoặc cục gỗ tròn, cứng và nặng gắn trên đầu gậy, dùng để phang, đập rất lợi hại nếu đánh trúng khớp tay chân và đầu. Giáp sắt khi bị chùy va đập thường bị cong, méo, hư hỏng, người mặc giáp trúng đòn bị dư chấn mà nội thương. Để chống lại vũ khí cùn như chùy, người ta thường phải độn thêm lớp bông, vải để giảm dư chấn.