25/11/2024

Một số quân phục đặc biệt của quân đội chúa Nguyễn Phúc Ánh

Một số quân phục đặc biệt của quân đội chúa Nguyễn Phúc Ánh.

– Sau khi nhà Tây Sơn nổi lên, năm 1777, bắt giết được chúa Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần, cơ đồ họ Nguyễn bị diệt, duy có hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát ra đảo Thổ Chu. Năm sau Nguyễn Phúc Ánh được tôn làm Đại Nguyên Soái dẫn quân tiến đánh Sài Gòn: “Tháng 10 mùa đông năm, vua cử binh ở Long Xuyên, tiến đến Sa Đéc (tên đất, thuộc tỉnh An Giang).

Chưởng dinh ngoại hữu (xưng là Phương quận công) Đỗ Thanh Nhân cùng với thuộc hạ là cai đội Lê Văn Quân (có thuyết là họ Nguyễn) nhóm họp những nghĩa dũng ở Ba Giòng, làm hịch bá cáo các đạo ; Thống nhung Nguyễn Văn Hoằng, Chưởng dinh Tống Phước Khuông và Tống Phước Lương (đều xưng là quận công), điều khiển Dương Công Trừng, Cai cơ Hồ Văn Lân đều đem quân đến họp. Ba quân đều mặc áo tang, thanh thế lừng lẫy. Tháng 11, đánh úp Điều khiển giặc là Hòa ở dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) cả phá được. Tháng 12, tiến đánh được Sài Gòn.” (Đại Nam thực lục).

Có lẽ đây cũng là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam khi có một đội quân mặc tang phục trắng xông trận.
– Chúa Nguyễn khi phân tranh với quân Tây Sơn thường yếu thế, phải cầu viện ngoại bang vào giúp, trong đó có quân đội tây dương, chủ yếu là người Bồ Đào Nha và Phú Lang Sa (Pháp) do giám mục Bá Đà Lộc mời sang. Cũng theo Đại Nam thực lục, lúc đó để phô trương thanh thế, vua cho chế mũ hình trụ có vành cắm gù lông giống với loại mũ của binh lính đánh thuê phương tây để cho binh lính đội, giả rằng chúa Nguyễn được rất nhiều quân Phú Lang Sa sang giúp. Kì thật chúa Nguyễn chỉ nhận được vài tàu chiến và không quá trăm kẻ phiêu lưu từ phương tây.

– Sau khi diệt được Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Gia Long. Vua lập quy chế mũ áo, trong đó võ quan thì mặc áo mãng và đội mũ xuân thu, mũ này cũng còn trong điển lễ đến cuối thời Nguyễn. Tuy nhiên mũ xuân thu có thể đã có và được sử dụng từ đời trước, xét trong hoàn cảnh thời chiến, lúc còn loạn lạc quy định có thể còn qua loa, vải dệt mãng bào thường nhập từ nước Thanh, nên có thể mới đầu chỉ đội mũ xuân thu mà chưa có áo mãng. Khi đã thành triều đại rồi thì mới quy định mặc áo mãng để cho đủ lễ. Lúc tế tôn miếu, vua Gia Long thường mặc áo tang trắng, đội mũ xuân thu trắng để tế. Theo tượng võ quan lăng vua Gia Long, có chi tiết thắt dây thao, cũng là một nét đặc trưng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận