24/11/2024

Nguyễn Trãi – Vụ án Lệ Chi Viên trong chính sử

Note: Bài viết không mang tính chất phá án.

1. Trong Đại Việt sử Ký toàn Thư (ĐVSKTT):

Theo ĐVSKTT, năm nhâm tuất, Đại Bảo thứ 3 (1442): “Ngày 27 vua đi tuần miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự chùa Côn Sơn, ở hương của Nguyễn Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức (sông Đuống, Bắc Ninh)… Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định bỗng bị bệnh ác rồi băng.

Trước đây, vua thích vợ Thừa Chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi tuần miền Đông, về đến xã Đại Lại bên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua… Ngày 16, giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 họ. Trước Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết nên Trãi bị tội ấy”.

2. Trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (KĐVSTGCM):

Theo KĐVSTGCM triều Nguyễn: “Tháng 8. Nhà vua về đến huyện Gia Định, mất. Nhà vua ở ngôi 9 năm thọ 20 tuổi. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ Lê Trãi (ông được ban quốc tính là Lê), người đẹp mà lại hay chữ. Nhà vua nghe tiếng, vời đến, phong làm Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ. Đến đây, đi tuần phía Đông, xa giá quay về Trại Vải, làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về kinh đô. Nửa đêm đến trong cung mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt giết Thị Lộ.

Giết Thừa Chỉ Nhập Nội Đại Hành Khiển, trí sĩ Lê Trãi, tru di cả họ. Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan”.

Trong 2 bộ chính sử, đều nói ông Trãi bị liên lụy bởi bà Lộ – 1 vị Lễ Nghi Học Sĩ không chỉ dạy học cho hậu cung. Vì ngoài việc bắt giam các cung nữ ngỗ ngược ra, bà còn có thể gièm pha được công thần. Theo KĐVSTGCM, Nhập Nội Thị Trung Đình Thượng Hầu Lê Lễ bị bà gièm đến mức làm Thái Tử Thiếu Bảo. Khi mất năm 1449 mới được truy hồi nguyên chức tước.

3. “Rắn báo oán” và “lục nguyệt khai hoa”:

Trong hội thảo khoa học về bà Lộ năm 2002, GS – TSKH Phan Đăng Nhật đã có bài báo cáo trình bày về giai thoại Rắn báo oán. Theo ông, truyện này có 1 bản chính và 5 bản phụ. Bản chính của A. Landes và Ức Trai Di tập là bản nhổ nước bọt vào tay vợ người lính sinh ra Nguyễn Anh Vũ mà chúng ta biết. Dị bản 1 là của Sử Nam Chí Dị, tức bản nhỏ máu vào sách. Dị bản 2 trong Sự tích về chùa Thiên Tượng. Dị bản 3 là truyện Phương Chính Học của Trung Quốc. Dị bản 4 là truyện Ngô Trăn, Trung Quốc. Dị bản 5 là truyện Chu Tuệ và Kiều Oanh, Trung Quốc. Dị bản cuối này có bài thơ tương tự bài “bán chiếu gon” của bà Lộ, thay địa danh Tây Hồ bằng Hàng Châu; chiếu bằng hoa.

Về nghi án “lục nguyệt khai hoa” nói Lê Nhân Tông không phải con Lê Thái Tông, có lẽ bắt nguồn từ tờ chiếu đại xá của vua Lê Nghi Dân: “… Diên Ninh tự biết mình không phải con ruột của tiên đế…” (ĐVSKTT). Thử hỏi, bài chiếu của ông vua vừa giết mẹ cả và em trai có bao nhiêu đáng tin? Hay đây chỉ là cái cớ để ông hợp thức hóa ngôi vị của mình?

Riêng mấy bài thơ bị cho là của tướng Đinh Liệt, chúng nằm trong 1 tài liệu mang danh gia phả nhà ông nhưng đã lưu lạc bên Trung Quốc 1 thời gian dài. Đó có thật là gia phả dòng họ vị danh tướng hay không, hay người ta căn cứ vào đó để đổ tội giết vua cho bà Nguyễn Thị Anh suốt vài chục năm nay?

Con bà là Thái Tử, trong khi 3 vị kia: 1 cựu Thái Tử bị giáng làm Vương, 1 hoàng tử được phong Vương ngay khi chào đời và 1 vị khác ra đời tại dân gian; đến 3 tuổi mới được đón về cung và phong Vương. Bà hoàn toàn không có động cơ để mạo hiểm như vậy, tất cả chỉ từ bài chiếu của Lê Nghi Dân: “… Nguyễn Thái Hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai Tạ Thanh dựng Bang Cơ lên làm vua, bắt trẫm làm phiên Vương…” (ĐVSKTT). Trong khi, Nhân Tông là Thái Tử danh chính ngôn thuận.

 

3. Việc minh oan và hậu duệ Nguyễn Trãi:

Tương truyền, năm 1464, Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi. Nhưng, ĐVSKTT không chép sự kiện này. Toàn thư chỉ chép: ” Mùa thu, tháng 7, cho Anh Vũ là con Nguyễn Trãi làm huyện chức”. Có điều, ông Anh Vũ đỗ đạt trong khoa thi năm trước.

KĐVSTGCM thì lại chép sự kiện này: ” Tháng 7, mùa thu. Truy tặng Lê Trãi tước Tán Trù Bá và bổ dụng người con của Trãi… Lớn lên, Anh Vũ thi Hương cống. Đến nay, nhà vua thương Trãi phải tội oan, truy tặng tước Tán Trù Bá, cấp trả lại 100 mẫu tự điền (ruộng được thừa kế), hạ chiếu lục dụng người con, bổ Anh Vũ chức Đồng Tri Châu”. Đến năm 1467, ông hạ lệnh tìm lại các di cảo của Nguyễn Trãi.

Sách Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ Và Thảm Án Lệ Chi Viên (hội thảo năm 2002) có viết là năm 1510, Lê Uy Mục truy phong Nguyễn Trãi làm Tế Văn Hầu nhưng 2 bộ chính sử đều không chép. Cũng theo sách này, đến năm 1710, chúa Trịnh Cương đến thăm đền ông bà Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, cấp 1 mẫu 5 sào cho dân làng chăm lo hương khói của ông bà.

Theo gia phả họ Nguyễn ở Kinh Môn (Hải Dương) và Thường Tín (Hà Nội), Nguyễn Trãi có 3 người con còn sống sót sau vụ án. Nguyễn Phù – con vợ cả Trần Thị Thành chạy về Phù Đàm (Từ Sơn, Bắc Ninh) và phát triển chi nhánh ở đó.

nguyen-trai-le-chi-vien

Nguyễn Anh Vũ – con vợ lẽ thứ 4 Phạm Thị Mẫn khôi phục dòng họ sau năm 1464, sinh được 7 trai 1 gái. Ông cử các con lập chi họ Nguyễn ở: Nhị Khê (HN), Chi Ngại (Hải Dương), Thụy Phú (Phú Xuyên, HN), Hải Anh (Nam Định), Xuân Dục (Hưng Yên), Dự Quần (Thanh Hóa)…

Nguyễn Năng Đoán – con vợ lẽ thứ 5 Lê thị chạy về Phương Quất, Kinh Môn từ khi còn là bào thai 3 tháng. Sau này, ông phát triển nhiều chi nhánh họ Nguyễn ở Phương Quất, Quế Lĩnh (Kinh Môn) , Triều Bến (Đông Triều, Quảng Ninh)…

Ngoài ra, em cùng mẹ với Nguyễn Trãi là Nguyễn Hùng cũng chạy thoát. Riêng 2 người em cùng cha khác mẹ của ông là công thần Nguyễn Nhữ Soạn (Lê Soạn) mất năm 1448 được triều đình truy phong tước Tuy Quốc Công. Và Nguyễn Nhữ Trạch dường như không bị liên lụy trong vụ án (không có thông tin).

Nguồn:
– Đại Việt sử Ký toàn Thư, NXB Thời Đại.
– Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, NXB GD.
– Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ và thảm án Lệ Chi Viên, NXB VH – TT

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận