“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt. Dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”
—-
Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương, cha là Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Có nghiên cứu gần đây cho rằng Trần Phó Duyệt chính là Nhân Thành Hầu Trần Duyệt, con Trần Thủ Độ được chép trong An Nam chí lược. (Điều này còn nghi vấn).
Ông là một trong những danh tướng có tài góp nhiều quân công giúp bảo vệ nhà Trần. Có thể kể đến như những lần đánh chặn quân Nguyên Mông, dẹp loạn người Man, chinh phục Chiêm Thành.
Năm 1282, Đại Việt sử kí chép: “…Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam – tức là ông được vua nhận làm con.” chức Phiêu Kỵ Đại Tướng Quân. Khánh Dư được vua yêu thăng mãi từ tước hầu đến Tử Phục Thượng Vị Hầu, quyền chức Phán Thủ. Sử chép vương tước của ông là Nhân Huệ Vương.
Người có tài năng danh vọng như vậy, nhưng “Nhân bất thập toàn, có tài có tật” cuộc đời Trần Khánh Dư cũng để lại nhiều tai tiếng.
Như có lần ông tư thông với Thiên Thụy Công Chúa vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn – con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Việc đến vua phân xử, vua có lòng thương không nỡ xử tội chết nhưng sợ Hưng Đạo Vương phật lòng mới sai đem Khánh Dư ra đánh đòn rồi đuổi đi. (Hình luật chí thì tội phạt trượng không quá 100 gậy. Theo lịch triều hiến chương phần Nhân Vật Chí thì đời vua Trần Nhân Tông ông được xóa tội nên khả năng người phân xử trước đó là vua Trần Thánh Tông).
Về sau trong hội nghị ở bến Bình Than, vua thấy một kẻ lái đò bán than đi ngang thuyền Ngự, liền chỉ hắn và nói: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương đó sao?”, bèn cho người gọi lên chầu. Lúc này thấy đúng là Khánh Dư trong bộ dạng nghèo hèn thì vua nói: “Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi”. Bèn xuống chiếu tha tội và phục chức cho ông. Theo lịch triều hiến chương loại chí, Khánh Dư được vua ban cho áo Ngự để mặc ngồi dưới hàng vương cùng họp bàn, nói nhiều điều hợp ý vua nên được cho phục chức.
Lần khác khi Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh:”Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái tất phải phạt”.
Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang:”Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”.
Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta.
Đến thời vua Trần Anh Tông, Khánh Dư bị dân kiện, sau đó tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Vua im lặng không nói gì, Khánh Dư sợ ở lâu bị khiển trách, bèn lén tránh đi.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép:
“Chỉ vì nhà vua tiếc ông ta là tướng tài, nên không nỡ bỏ mà thôi.”