Nhắc đến Lê Long Đĩnh, chúng ta nhớ tới Lê Ngọa Triều. Theo sử gia Ngô Thì Sĩ: “Xét việc cướp ngôi, cố nhiên không đáng được thụy hiệu đẹp, mà cái tên “Ngọa Triều” cũng không đúng. Có lẽ Lý Thái Tổ muốn dùng thụy hiệu xấu để gán cho mà không biết rằng những đế vương chẳng đáng làm vua thì hoặc gọi là phế đế, mạt đế hoặc lấy cái tên khi bị phế mà chép…”
Năm 1005, ông truy tôn thụy hiệu cho vua Long Việt là Trung Tông Hoàng Đế (Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Lê Đế Long Đĩnh)
Cùng năm đó, ông đặt đất trấn thủ xưa là Đằng Châu làm Phủ Thái Bình. Phủ này nay là Hưng Yên, Thái Bình. Một số làng còn thờ ông làm Thành Hoàng.
Tháng 2 âl năm 1006, vua đặt lại quan chế và triều phục theo mẫu nhà Tống. Quy chế của Tống như sau: Công khanh trở lên mặc màu tím, ngũ phẩm trở lên mặc màu đỏ, thất phẩm trở lên mặc màu lục, cửu phẩm trở lên mặc màu xanh. Không thấy ghi chép là triều phục của vua cũng theo nhà Tống.
Tháng 6 âl năm 1006, nhà Tống sai Thiệu Việp đưa thư đến dụ. Trước đó, nghe tin Lê Đại Hành băng hà, một số quan lại ở vùng biên ải phía Nam của Trung Quốc đã dâng thư về triều, thúc giục Hoàng đế nhà Tống nhanh chóng lợi dụng cơ hội thuận tiện này để xuất quân sang đánh chiếm Đại Cồ Việt. Vua Tống không nghe, cho rằng: “Họ Lê thường sai con sang chầu, góc biển ấy vẫn được yên, chưa từng bất trung, bất thuận. Nay nghe tin Lê Hoàn mới mất, chưa có lễ thăm viếng mà đã vội đem quân đánh kẻ đang có tang, đó chẳng phải là việc làm của đấng vương giả”.
Năm đó, Hành Quân Vương Minh Đề về nước. Thiệu Việp lại muốn thừa cơ cướp nước ta bèn dâng cho vua Tống bản đồ vẽ đường thủy, đường bộ từ Ung Châu đến Đại Cồ Việt. Tống Chân Tông cho đình thần xem và bảo: “Giao Châu khí độc, dịch bệnh, nếu cất quân đi đánh tất thương tổn nhiều, chỉ nên lo giữ cẩn thận đất của tổ tông thôi”.
Năm 1007, ông sai em là Minh Xưởng và Chưởng Thư ký là Hoàn Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng. Nhà Tống phong cho vua làm Giao Chỉ quận vương, lĩnh Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ và cho tên là Chí Trung, ban tước cho Minh Xưởng và Thành Nhã.
Theo Đại Việt Sử ký Tiền biên, năm 1009, ông lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu nhưng Tống đế chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng là những nơi giáp vùng biên giới thôi. Theo An Nam chí lược, vua Tống cho rằng Giao Chỉ thường cướp phá vùng bờ biển nước Tống, nay cho buôn bán ở Ung Châu không tiện, cứ theo lệ cũ là trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng.
Khi Hoàng đế đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Sử chép: Người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thể vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì, xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.
Khi ông đến Hoàn Giang, sai Phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện. Ông cũng sai dân Ái Châu đào kênh, đắp đường từ cửa Vân Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lũng.
Đại Việt Sử ký Tiền biên chép: “Mùa xuân năm Đinh Mùi (1007), Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và Chưởng Thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin Cửu kinh và kinh sách Đại Tạng”.
Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, thiền sư Thích Mật Thể viết: Niên hiệu Ứng Thiên thứ 14 (1008), sau khi nước ta đã hòa với Tống rồi, vua Đại Hành (đúng hơn là Long Đĩnh) sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Trung Hoa, cống hiến đồ thổ sản và xin vua Tống ban cho bộ “Cửu kinh” và “Đại Tạng kinh”. Vua Tống trao cho những bộ ấy và cho sứ giả đưa về. Đó là lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa vậy.
Cửu kinh gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ; là 9 bộ sách vĩ đại, nền tảng của văn minh Trung Hoa lần đầu tiên nhập vào Việt Nam là do Lê Long Đĩnh lấy về. Còn kinh Đại Tạng là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển.
Lê Đế Long Đĩnh trong 4 năm cầm quyền đã 5 lần cầm quân đánh dẹp (ở các vùng đất thuộc Hưng Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay):
Lần thứ nhất (1005): dẹp tan bạo loạn, tranh giành giữa các anh em trong hoàng tộc để thu phục mọi người. Từ đấy về sau các Vương và giặc cướp đều hàng phục.
Lần thứ hai (1005): khi quan quân đang đánh nhau với người ở trại Phù Lan chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Phù(Ninh Bình). Ông về đến sông Tham, đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long.
Lần thứ ba (1008): đánh người Man ở hai châu Đô Lương và Vị Long.
Lần thứ tư (1008): đánh giặc ở Hoan châu và châu Thiên Liêu.
Lần thứ năm (1009): tháng 7, đánh giặc ở các châu Hoan Đường và Thạch Hà.
Lê Long Đĩnh được thờ ở đền Vua Lê Đại Hành thuộc khu di tích Hoa Lư, đền Lăng ở Liêm Cần, đền Yến ở Thanh Hà đều thuộc Thanh Liêm (Hà Nam) và di tích quốc gia đình An Lăng (Từ Liêm, HN).
Nguồn:
Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngô Thì Sĩ, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Hồng Đức, 2011