TÊN GỌI CÁC XỨ NAM KỲ – LỤC TỈNH

Từ con “cần đước” mà thành xứ Cần Đước và từ con cá sặc rằn thành Cần Thơ.

Đọc di cảo Vương Hồng Sển gặp một đoạn kể về má ông hồi năm xưa mà dính tới con cần đước:
“Tôi còn nhớ năm ấy, đương vây quanh mâm cơm buổi sáng, lối chín giờ ban mai, mẹ tôi mệt, bỏ đũa vô giường nằm
Chưa kịp kiếm bà mụ hay mụ đến chưa kịp thì sảo, làm mệt, trong nhà lăng xăng.Không biết làm cách nào cho người mệt dễ thở, chỉ có cách hơ lửa xoa bóp tay chân.Có người bàn kiếm mai rùa đốt xông cho có khói thì mau thấy khỏe
Bởi không có sẵn mai rùa nên trong lúc bối rối Ba tôi lấy cái xe cát của tôi chơi hằng bữa, đập nát cho vào lò, mà cái xe ấy vốn là mai con cần đước là giống rùa thật lớn;nhờ đó mẹ tôi thoát cơn nguy
Tôi không tiếc cái xe do tay Ba tôi chế, có tra bốn bánh cây và chở cát được nhiều, chơi rất thú, duy nhớ mãi tích nầy, cho đến nay tôi chưa thấy món đồ chơi trẻ con nào ngộ bằng cái xe mai cần đước nầy.”(Chương 4 “Hơn nửa đời hư” )
Chợt lòng nhớ ra chữ “con cần đước”
Tại vì Long An có một xứ tên là Cần Đước
Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công là ba vùng liền kề nhau,cùng làm “phên dậu” cho đất Gia Định Sài Gòn xưa và tới ngày nay
Năm Mậu Dần 1698 khi chúa Nguyễn Phước Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Nam Kỳ thì Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định
Tức là Cần Đước có lịch sử khai phá bằng Sài Gòn Gia Định
Thời Nam kỳ lục tỉnh của vua Minh Mạng,Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định.Năm 1867, Cần Đước là huyện của phủ Phước Lộc,tỉnh Gia Định
Pháp qua,năm 1871 Cần Đước thuộc Chợ Lớn,phủ Phước Lộc nhập vào tỉnh Chợ Lớn
Cũng do người Pháp mà địa danh Cần Đước xuất hiện khi năm 1923 Pháp đặt trung tâm Cần Đước ngay khúc chợ Cần Đước xưa.Năm 1928 chánh thức lập quận Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn với quận lỵ đặt ngay làng Tân Ân, chợ Cần Đước
Cần Đước là một địa danh thuộc trường phái bắt đầu bằng chữ “Cần” trong Nam Kỳ lục tỉnh như Cần Thơ, Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Vọt, Cần Đốt… mà nếu tách chữ Cần đó ra thì không hề có ý nghĩa
Quận lỵ Cần Đước xưa đặt tại chợ Cần Đước,ngay trước đình làng Tân Ân,ngay doi đất nhô ra giữa sông
Pháp lấy tên chợ Cần Đước đặt tên cho quận Cần Đước
“Cần Đước”?
Có con “cần đước” thì ta biết rõ nghĩa rồi. Cần Đước là xuất xứ từ tiếng Khmer
Con cần đước còn có tên sau này là “con càng đước” hay con rùa răng. Người Cần Đước thời xưa kêu là con cua đinh
Tại Sóc Trăng có một cái ấp tên Cần Đước thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên .Cái ấp này lấy tên từ chùa Khmer là chùa Prêk On Đơk còn gọi là chùa Cần Đước
Prêk là rạch.Cần Đước là On Đơk
Trong tiếng Khmer chữ On Đơk (អណ្តើក) có nghĩa là con rùa lớn
“Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng”
Chữ “quận Cần Đước” không thể phiên âm ra Hán Việt
Tại vì năm 1956 TT Ngô Đình Diệm mộ Hán Việt đã đặt lại Cần Đước thành quận Cần Đức nghe thiệt dị hợm
Đất Nam Kỳ là đất Đàng Thổ,cúng chú Thổ nên ít nhiều có dính dáng,hơi hướm người Miên
– Mé trên Cần Đước là Cần Giuộc
Học giả Vương Hồng Sển viết rằng Cần Giuộc đôi khi được ghi Cần Giộc hoặc Cần Duột
“Nguyên trước là một quận của hạt Chợ Lớn, sau tách qua địa hạt Tân An, đổi gọi quận Thành Đức, và xưa hơn nữa đó là huyện Phúc Lộc của tỉnh Gia Định. Cần Giuộc đời xưa có làng Thanh Ba là nơi cụ Đồ Chiểu mở trường dạy học và cũng là quê hương của cụ bà”
Học giả Trương Vĩnh Ký ghi:
“Cần Giuộc, ngôn ngữ Môn Khmer gọi là Srôk Kantuôt”
Kantuôt là cây chùm ruột
Thiệt tình,nếu theo tiếng Miền Nam,đọc là Cần Duột hoặc Cần Duộc sẽ trúng nhứt,không biết ai tài lanh tài lẹt phiên âm thành kiểu Bắc Kỳ Cần Giuộ. Hỏi dân Nam Kỳ nào uốn lưỡi ra chữ “gi” kiểu Bắc, toàn kêu “Cần Duộc” không hà
Địa danh Cần Giuộc bắt đầu từ con sông mà ngày nay còn có tên là Rạch Cát.Khúc chảy qua chợ Cần Giuộc mà ngày xưa là chợ Trường Bình đã đi vào văn tế của Đồ Chiểu
“Đoái sông Cần Giuộc,cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”
– Cần Thơ
Nói về địa danh Cần Thơ,có người nói rạch Cần Thơ ngày xưa ở hai bên bờ, dân chúng trồng rất nhiều rau cần và rau thơm. Ghe thuyền chở nhiều loại rau cần, rau thơm qua lại rao bán đông vui từ năm này qua năm khác
Vì vậy có những câu ca dao:
“Rau cần, rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết chậm bước không còn”
Và:
“Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều”
Cũng có thể từ đó mà người địa phương lại gọi sông này là sông Cần Thơm, nói trại là Cần Thơ
Nói cho vui thôi, người Nam Kỳ ít xài chữ “rau thơm” lắm,“Cần Thơ” là từ chữ Khmer “Kìn Tho” có nghĩa là cá sặc rằn
“Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em”
Cần Thơ là địa danh có chữ Thơ hiếm hoi của Nam Kỳ. Chữ Cần Thơ hoàn toàn không có nghĩa Hán Việt nên đặt trại từ Cần Thơ thành Cầm Thi thì nó quá vô duyên
Xin nói luôn, chữ “thơ” của Miền Nam là một chữ rất Nam Kỳ. Nam Kỳ thì “viết thơ, biên thơ” còn Bắc Kỳ thì “viết thư”
Người Nam Kỳ kêu là quan thượng thơ, dinh thượng thơ. Còn Miền Bắc là quan thượng thư, dinh thượng thư
Bắc kêu “thư lại” còn Nam Kỳ kêu là “thơ lại” tức ông thơ ký ghi chép giúp việc giấy tờ trong văn phòng
“Thượng thơ, Phó Soái
Dưới Thủ Ngữ treo cờ
Kìa Ba còn đứng chơ vơ
Nào khi núp bụi, núp bờ
Mũ Di đánh dạo bây giờ bỏ em”
Dinh Thượng thơ xưa mà dân gian ám chỉ chính là soái phủ Nam Kỳ, tức dinh Gia Long ở góc đường Tự Do và Gia Long
Thơ là chữ Nôm tức của người Việt,trong tiếng Hán không có chữ thơ
Hán chỉ có thư, người Bắc xài chữ “thư”. Thư tiếng Hán nghĩa là sách và thư tín
Không hiểu vì sao người Nam Kỳ đọc trại chữ thư ký ra thơ ký, thượng thư ra thượng thơ. Thư không phải là chữ kỵ húy bị cấm
– Vĩnh Long
Năm 1732 người Việt bị quân Chân Lạp tấn công.Chúa Nguyễn là Ninh Vương Nguyễn Phước Chú cử Trương Phước Vĩnh đem quân vào dẹp yên
Vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường Mỹ Tho và Long Hồ cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lấy đất Kompong Luông Long Hồ lập thành châu Định Viễn (Vĩnh Long) và đặt dinh Long Hồ. Lỵ sở lúc này đặt tại Cái Bè, Mỹ Tho.
Đất Long Hồ (Vĩnh Long) chánh thức có mặt trong lãnh thổ Việt Nam kể từ đó
Năm 1753 lại có binh biến do người Chân Lạp hậu thuẫn bởi quân Xiêm sang đánh phá, chúa Nguyễn Phước Khoát sai Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu đem quân năm dinh (3 dinh trong Nam là Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, và 2 dinh ngoài Trung là Bình Khương và Bình Thuận) sang đánh Chân Lạp
Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận bèn dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (Gò Công và Tân An) để cầu hòa. Sau khi bình định xong, Nguyễn Cư Trinh dời dinh Long Hồ qua xứ Tầm Bào tức là tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ
Vĩnh Long thời Nguyễn là thủ phủ của Miền Tây,có Văn Thánh miếu ,là tỉnh rất quan trọng vì nằm giữa hai khúc sông Tiền và sông Hậu
Qua thời Pháp dù cần khai phá miệt Hậu Giang nên Pháp đã nhìn ngó Cần Thơ, song Vĩnh Long vẫn là tỉnh giàu có,vị trí trung tâm.Vĩnh Long lúc đó bao gồm cả vùng Sa Đéc nữa
Vĩnh Long xưa giàu có tột đỉnh
“Sông Long Hồ chảy ngang chợ Vãng
Vàm Long Hồ nối ngọn Cổ Chiên
Như con bên cạnh mẹ hiền
Uống dòng sữa ngọt, tuổi tên gắn liền”
Trong sử Miền Nam xứ Vĩnh Long còn có tên là Tầm Đôn, Tầm Vồ và Long Hồ, trấn Vĩnh Thanh rồi Vĩnh Long
“Tầm Vồ rày đã đóng đô
Xin quan đổi lại Long Hồ cho an”
Vĩnh Long là đọc từ chữ Vũng Luông, Vãng Luông hay Dãng Luông. Mà Vãng Luông là từ chữ tiếng Miên Kompong Luông tức là bến sông vua tắm rửa
Dân Mỹ Tho hễ đi chợ,hỏi cô đi đâu thì trả lời “Tao đi chợ Mỹ”. Còn Vĩnh Long trả lời “Tao đi chợ Vãng”
“Nước chảy re re con cá he xòe đuôi phụng
Cả tỉnh Vãng Luông này anh đành bụng một mình em”
Xứ Vãng còn kêu kiểu Nam Kỳ là “xứ Dãn” hay “chợ Dãn”
Nhiều người đoán là chữ “Dãn” là đọc trai chữ” Giản” của quan Kinh Lược Sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản. Phan Thanh Giản là người tỉnh Vĩnh Long (Xưa Bến Tre thuộc tỉnh Vĩnh Long)
Tại châu thành Vĩnh Long trước 1975 có tượng quan Phan,có đài tưởng niệm quan Phan,có đại lộ tên Phan Thanh Giản
Từ cái đài vinh danh quan Phan Thanh Giản ở ngã ba đi Cần Thơ thẳng vô là chợ Vĩnh Long.Thành ra dân kêu”đất Giản” thành “đất Vãng”,”chợ Vãng” là trúng rồi
Vĩnh Long trái ngọt cây lành, dân tình xề xòa
– Mỹ Tho
Mỹ Tho Đại Phố là phố chợ xưa nhứt của miền Nam Kỳ Lục Tỉnh,được lập năm 1623 do tướng tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch, ông là người Tàu tị nạn được chúa Nguyễn cho định cư ở Peam Mesor thuộc Thủy Chân Lạp
Peam Mesor có nghĩa là “vàm bà trắng”.Trong văn hóa Miên có hai nữ thần bà đen và bà trắng
Mesor phát âm riết thành M’Tho, và người Việt đọc trại thành Mỹ Tho.Mesor Mỹ Tho là bà trắng xinh đẹp
“Cúc mọc dưới sông anh kêu là cúc thủy
Sài Gòn xa,chợ Mỹ cũng xa
Gởi thơ thăm hết nội nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em”
– Bến Tre
Có hai cách giải thích chữ Bến Tre:
*Bến Tre xuất phát từ gốc Khmer là Srok Tre với nghĩa là Sóc Tre hay Bến Tre
Cách này nữa Khmer nữa Việt, có hơi hám Việt, vì Tre là chữ Việt vì ai cũng nghĩ tre là tre nứa, tre lồ ồ
*Bến Tre có nguồn gốc Khmer là Sork Kompong Treay nghĩa là xứ bến cá
Xứ này cá đồng nhiều, ngày nay vẫn còn các địa danh tên cá nên chữ Sork Kompong Treay cũng nghe có lý
– Cà Mau là Tuk Khmau, nghĩa là nước đen
– Sóc Trăng là Péam Prêk Sròk. Péam là vàm, prêk là sông, sròk là sốc, khlẵn (kh’leang) là kho bạc
– Bạc Liêu
Bạc Liêu tiếng Miên là Pooeu nghĩa là cây lầm vồ (cây bồ đề). Người Tiều đọc Pooeu thành Pô Léo, người Việt đọc trại thành Bạc Liêu.

ST, Tg: Nguyễn Gia Việt

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận