Tiết độ sứ tĩnh Hải quân – Khúc Hạo

Thời chiến mới có anh hùng, nhưng làm cho con dân no ấm, thoát khỏi chiến tranh loạn lạc chẳng phải mới là một đại anh hùng sao?

Khúc Hạo (chữ Hán: 曲顥; 860 – 917) hoặc Khúc Thừa Hạo, được suy tôn là Khúc Trung Chủ, là con của Khúc Thừa Dụ. Quê hương của cha con Khúc Thừa Dụ.

Khúc Hạo hoặc Khúc Thừa Hạo là người làng Cúc Bồ, tỉnh Hải Dương. Cha ông – Khúc Thừa Dụ – nhân lúc nhà Đường hỗn loạn đã tiến quân chiếm đóng phủ thành Đại La (Tống Bình cũ, nay thuộc Hà Nội) và tự xưng làm Tiết độ sứ cai quản Giao Châu. Chiến thắng này của Khúc Thừa Dụ đã chính thức đặt dấu chấm hết cho hơn 1000 năm nhân dân ta chìm trong đêm trường Bắc Thuộc đầy những oan trái và khổ đau.

Nhà Khúc bắt đầu lên nắm quyền cai quản nước Việt. Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên kế vị. Ông tiếp nhận chức Tiết độ sứ của cha và thực hiện những cải cách quan trọng nhằm giữ vững nền độc lập của đất nước. Theo Việt Nam sử lược, Khúc Hạo lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má, việc sưu dịch. Mỗi xã đặt ra xã quan, một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Một số xã ở gần nhau thời thuộc Đường gọi là hương nay đổi là giáp, mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc kê hộ khẩu, nhân khẩu và việc thu thuế. Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp, cộng với những giáp trước đây nhà Đường đặt, cả thảy có 314 giáp. Đường lối chính trị của ông được sử sách tóm lược ngắn gọn song rất rõ ràng: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Ông sửa lại chế độ điền tô, thuế má lực dịch nặng nề của thời thuộc Đường. Ông ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi”. Chính sách cải cách cùng đường lối cai trị vững vàng của Khúc Hạo đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội cho các triều đại của Việt Nam sau này.
Nhà Hậu Lương, trước do xảy ra nhiều biến cố nên mới trao cho Khúc Hạo chức Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân vào năm 907. Giờ đây, khi mọi chuyện đã ổn định, vua Hậu Lương là Chu Ôn lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm chức “Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ”. Tháng 9 năm 917, em Lưu Ẩn là Lưu Nghiễm (lên thay từ năm 911) xưng đế, lập ra nước Nam Hán, một trong Mười nước thời Ngũ đại Thập quốc. Nhận thấy được mối nguy hiểm tiềm tàng, Khúc Hạo bèn sai con là Khúc Thừa Mỹ làm “khuyến hiếu sứ” sang Quảng Châu, bề ngoài là để ‘‘kết mối hòa hiếu’’, song bề trong cốt là xem xét tình hình hư thực của địch.

ăm 917, khi Khúc Thừa Mỹ trở về thì cũng là lúc Khúc Hạo mất. Khúc Thừa Mỹ nối nghiệp cha và trở thành Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Trong thời kỳ cai trị của mình, Khúc Hạo vẫn luôn sử dụng chính sách đối ngoại mềm dẻo với nước Nam Hán. Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, Khúc Thừa Mỹ lại chủ trương trong chính sách đối ngoại với nhà Hậu Lương mà gây hấn với nước Nam Hán. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến nước Việt bị quân Nam Hán xâm lược sau này.

Dù không xứng đế xưng vương, nhưng họ Khúc vẫn được nhân dân tôn vinh như những vị vua thực sự. Khúc Thừa Dụ được gọi là Tiên chủ, Khúc Hạo là Trung chủ và Khúc Thừa Mỹ là Hậu chủ. Trong 3 đời họ Khúc, Khúc Hạo là người được nhắc đến nhiều nhất do những đóng góp của ông đối với lịch sử Việt Nam lúc đó. Ông cũng được xem như là người thực hiện cải cách hành chính đầu tiên ở Việt Nam thời bấy giờ.

Nguồn: Người Kể Sử

Cùng bộ sưu tập

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận