07/11/2024

Top 10 nhân vật gây nhiều tranh luận nhất trong sử Việt

1. Vua Gia Long – “Cõng rắn cắn gà nhà” hay hành trình của chân mệnh thiên tử
Chúng ta luôn được học câu chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” của vị vua sáng lập triều Nguyễn, như là một nguyên nhân trọng yếu dẫn đến cuộc xâm lăng của thực dân Pháp sau này. Nguyễn Ánh có hành động cầu viện ngoại bang. Chuyện đó rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng không quên vị hoàng thân Nguyễn Ánh ấy chịu cảnh nước mất nhà tan, gần như trở thành giọt máu duy nhất còn lại của chín đời chúa Nguyễn.
2/ Trần Thủ Độ – Tội thần hay khai quốc công thần
Trần Thủ Độ có lòng yêu nước và khả năng gánh vác giang sơn và là vị khai quốc công thần của nhà Trần. Nhưng trước khi trở thành Thái Sư của nhà Trần, thì Trần Thủ Độ cũng lại là Điện tiền chỉ huy sứ dưới triều Lý Huệ Tông. Vậy nên với nhà Lý, hành động của ông không khác gì nghịch thần với việc cướp ngôi. Trần Thủ Độ là một chiếc gạch nối quan trọng giữa hai triều đại. Và đã là chiếc gạch nối thì luận công – tội thế nào âu cũng là chuyện nói mãi cũng chẳng xong!
3/ Hồ Quý Ly – vị vua mất nước và nhà canh tân nhầm thời
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nước Đại Ngu và thực hiện một loạt canh tân đầy tiến bộ. Súng thần công, tiền giấy, thành nhà Hồ và nhiều cải cách khác của ông khiến nhiều người đời sau ngỡ ngàng vì suy nghĩ ấy thực sự đi trước thời đại. Và vì ở thế kỷ XIV – XV còn ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, nên một kẻ được xem là chiếm ngôi như ông cùng một loạt thay đổi hệ thống chưa từng có, dĩ nhiên không có được sự đồng thuận. Có thể nói, cái vượt thời của ông cũng là một trường hợp không gặp thời!
4/ Lê Hoàn – Anh hùng chống Tống và tấm hoàng bào đầy nghi kỵ
Lê Đại Hành với tài thao lược đã đánh tan quân phương Bắc và nắm trong tay vận mệnh của triều đại mình. Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực ấy, mối hoài nghi về ông và Thái hậu họ Dương, cùng cái chết của đầy bí ẩn của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn… tất cả tạo nên một áng mây che phủ. Nhưng nếu không có Lê Hoàn tại thời điểm lịch sử ấy, không có chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai, thì không có hậu thế chúng ta hôm nay. Đó là điều chắc chắn.
5/ Vua Lê Thánh Tông – bậc minh quân hào hoa
Hiếm có vị vua nào anh mình, cần mẫn, văn võ song toàn như Lê Thánh Tông. Nhưng điểm gợn duy nhất trong cuộc đời của bậc minh quân hào hoa này là trong cuộc chiến Việt – Chiêm, ngài đã tận diệt nước láng giềng khi gián tiếp gây ra cái chết của sáu vạn quân dân Chiêm Thành. Chuyện này còn rất nhiều tranh cãi. Nhưng đứng trên phương diện quốc gia và lịch sử đối đầu, việc nhổ cỏ tận gốc của ngài là điều có thể hiểu được.
6/ Lý Thường Kiệt – Thái úy kiêu hùng và trận chiến thành Ung Châu
Trong cuộc đại chiến thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã “đại khai sát giới” lấy thủ cấp của hơn năm vạn quân dân trong thành Ung Châu. Chi tiết này gây ra hai luồng ý kiến. Một nhóm thì cho rằng Lý Thường Kiệt giết quá nhiều người như vậy là tàn nhẫn. Nhưng nhóm khác thì lại nghĩ đó là chiến tranh, và nhân đạo với kẻ thù là tàn nhẫn với bản thân.
Cuộc tranh luận ấy hãy còn nối dài. Nhưng chiến quả mà Lý Thường Kiệt mang lại không chỉ ở Ung Châu mà còn tại sông Như Nguyệt sau này đủ để vinh danh ngài như một tượng đài của lịch sử chống ngoại xâm.
7/ Nguyên Phi Ỷ Lan – Hành trình huyền thoại của cô gái hái dâu
Khả năng của Nguyên Phi đã lèo lái con thuyền dân tộc cập bến an toàn, thoát khỏi nạn ngoại xâm và mở ra thời kỳ thái bình. Vệt xám duy nhất trong phần đời trọn vẹn dành cho Lý triều của Ỷ Lan là cái chết của Thượng Dương Hoàng Hậu và 72 cung nữ. Đó là một cuộc cung đấu hay là kết quả của cuộc tranh đoạt quyền lực chính trị. Không ai có câu trả lời, nhưng hành trình từ một cô gái hái dâu ở một vùng quê có cơ duyên gặp được Hoàng đế mà trở thành mẫu nghi thiên hạ trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, rõ ràng là một hành trình huyền thoại.
8/ Trương Vĩnh Ký- Nhà bác học đầu tiên của Đông Dương và cuộc đời gây tranh cãi
Trương Vĩnh Ký là một trong những học giả, thậm chí là nhà bác học đầu tiên ở Đông Dương. Ông có đóng góp lớn cho chữ quốc ngữ trong những ngày đầu. Nhưng phần lớn thời gian nếu không muốn nói là hầu hết cuộc đời ông làm việc cho Thực dân Pháp. Luận về Trương Vĩnh Ký đến nay vẫn là một đề tài nhạy cảm và khó lòng rạch ròi tách bạch giữa đóng góp về mặt khoa học ngôn ngữ và cuộc đời chính trị của ông.
9/ Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết – từ thơ ca đến đồng dao
“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường”
Hai câu thơ trên nếu tinh ý sẽ phát hiện ra tên của hai vị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ở cuối câu. Như là một sự hàm chỉ vai trò của hai ông cho sự phế lập rối ren của triều đình Huế thời điểm đó.
Nhưng cũng chính hai ông được lịch sử nhắc đến với lòng yêu nước và tinh thần kháng Pháp cao độ. Hai ông cũng được xem là những người khởi đầu của phong trào Cần Vương mà vua Hàm Nghi là biểu tượng.
10/ Lê Chiêu Thống – vị vua đáng trách nhưng phận người đáng thương
Lê Chiêu Thống là nhân vật gắn liền với câu thành ngữ “Rước voi giày mả tổ”. Cuộc đời ông nhiều bất hạnh. Lần thứ nhất, ông hết bị Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành rồi Vũ Văn Nhậm đuổi đánh, thật tình chưa thấy ai làm vua mà thống khổ đến thế.
Và để cố giữ lấy cơ nghiệp của dòng tộc, Lê Chiêu Thống đã cầu viện Mãn Thanh. Sự việc thất bại. Lê Chiêu Thống theo đám tàn quân mà chạy về Trung Quốc, sống đời lưu vong với nỗi uất nghẹn tha hương đến lúc qua đời. Vua Lê Chiêu Thống đáng trách đáng hận, đáng lên án. Chuyện đó không bàn cãi. Nhưng phận người thì cũng đáng thương xiết bao.
Nguồn: Ohay
Cre Chuyện hậu cung
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận