Truyền thuyết về cơn đại hồng thủy nhấn chìm lục địa Atlantis xuống đáy biển sâu là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong đó lại gắn liền với những câu chuyện có thật.
Sự tồn tại và biến mất của Atlantis vẫn là một bí ẩn của nhân loại. (Ảnh: Internet)
Atlantis từng được đề cập đến qua một số tác phẩm của Plato, trong đó mô tả nó đã đạt được trình độ văn mình cực thịnh từ 11.000 năm trước. Đó là một vùng đất sở hữu nền văn minh tuyệt đỉnh cùng sức mạnh quân sư đáng kinh sợ – nhưng đã cả gan báng bổ thần thánh và kết quả là toàn bộ đại lục rộng lớn đã bị dìm xuống đáy biển.
Ngày nay, rất nhiều người vẫn đưa ra các giả thuyết về địa điểm chính xác mà Atlantis từng tồn tại: Trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Tây Ban Nha, thậm chí ở Nam cực. Nổi trội nhất chính là giả thuyết cho rằng bí ẩn về Atlantis gắn liền với số phận của Thera, giờ là đảo Santorini của Hy Lạp, từng bị phá hủy bởi một đợt phun trào núi lửa cách đây 3.600 năm. Nhưng hầu hết đều các nhà khoa học đều nghĩ rằng loài người sẽ không bao giờ xác định được vị trí thật của Atlantis.
“Tôi nghĩ rằng câu chuyện về Atlantis chỉ có trong thần thoại”– ông Patrick Nunn, nhà địa chất học thuộc Đại học Sunshine Coast ở Queensland, Australia, nói.
Tuy nhiên, Atlantis không chỉ là truyền thuyết về một thành phố bị đánh chìm xuống tận đáy biển sâu, mà cũng giống như một số truyền thuyết khác trên khắp thế giới, một phần nào đó trong câu chuyện này là sự thực.
Bất chấp sự hoài nghi của chính bản thân mình, Nunn vẫn tự thành lập một nhóm các nhà địa chất học để bắt đầu nghiên cứu về các câu chuyện thần thoại tương tự về các vương quốc, hòn đảo biến mất một cách bí ẩn trong thời cổ đại.
Lời nguyền của đảo Teonimanu
Câu chuyện đầu tiên mà nhóm của Nunn nghiên cứu chính là truyền thuyết về hòn đảo Teonimanu, thuộc quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương. Đó là một vùng đất cao, chứ không phải một đảo san hô, hay cát…nhưng nó lại bị nhấn chìm một cách dễ dàng và biến mất.
Truyền thuyết kể rằng, một người đàn ông trên đảo Teonimanu có tên Roraimenu sống cùng một người vợ không chung thủy. Vì quá tức giận, Roraimenu đã sử dụng một lời nguyền để gây nên các trận sóng dữ dội. Cưỡi thuyền trên 4 con sóng lớn đằng trước và 4 con sóng lớn đằng sau, Roraimenu đã đến đảo Teonimanu để trả thù.
Khi cập bờ, người này đã trồng 2 cây khoai môn, giữ lại một cây và sau đó nhanh chóng rút về hòn đảo của riêng mình là Ali’ite. Lời nguyền bắt đầu phát tác khi chiếc lá đầu tiên mọc trên cây khoai môn. Vào ngày hôm đó, Roraimenu đứng trên một đỉnh núi cao, chứng kiến 8 con sóng khổng lồ, từng con một, cứ thế ập vào hòn đảo Teonimanu cho đến khi nó biến mất hoàn toàn khỏi mặt biển, và không bao giờ được nhìn thấy lần nữa.
Theo lý giải của nhóm khoa học, đó là một sự kiện có thực khi các đợt sóng thần liên tiếp hợp thành khiến hòn đảo này bị nhấn chìm hoàn toàn. Nguyên nhân gây nên những trận sóng thần đó chính là một trận động đất cực mạnh bắt nguồn từ đáy biển. Khi các đợt dư chấn ảnh hưởng đến nền móng của hòn đảo, nó sẽ dần bị chìm xuống.
Tàn tích Ấn Độ Dương
Một số nghiên cứu khác mà các nhà khoa học từng công bố trước đây từng phát hiện ra nhiều mảnh vỡ địa tầng có thể chứng minh rằng nhiều hòn đảo khác cũng bị biến mất một cách bí ẩn như vậy.
Một câu chuyện khác không kém phần kỳ bí chính là một thành phố cổ đại nằm gần bờ biển bị sóng nhấn chìm. Câu chuyện được mô tả trong văn thư cổ đại Sanskrit, trong đó gồm Mahabharata, một bài thơ có niên đại 4.000 năm được mệnh danh là sử thi dài nhất trong nền văn học thế giới. Sử thi Mahabharata cùng sử thi Ramayana nguyên bản được viết trên lá cọ.
Bức ảnh thần Krishna và thành phố vàng, trước khi nó bị nhấn chìm. (Ảnh: Internet)
Những câu chuyện tương tự cũng kể về thành phố cổ đại Poompuhar và Mahablipuram. Cả hai đều được cho là đã từng tồn tại, ví dụ như tàn tích Mahabalipuram đã “xuất hiện trở lại” sau một đợt sóng thần trên biển Ấn Độ Dương hồi năm 2004.
Nhóm của Nunn tin rằng chỉ riêng các đợt sóng thần không thể nhấn chìm hoàn toàn cả một thành phố. Thay vào đó, chính do mực nước biển sau thời kỳ sông băng dâng lên dần dần đã khiến một số vùng đất ven biển bị lấn chiếm, và cuối cùng các đợt sóng thần đã làm nốt công việc còn lại là nhấn chìm chúng.
Vị thần chia cách Australia khỏi đất liền
Các truyền thuyết tương tự còn được tìm thấy trong các cộng đồng người thổ dân da đỏ sống dọc các vùng bờ biển của Australia. Khoảng 20.000 năm trước, vào thời điểm lạnh giá nhất của kỷ băng hà cuối cùng, mực nước biển thấp hơn hiện tại khoảng 120 m. Nhưng khi nhiệt độ tăng dần theo năm, các tảng băng lớn bắt đầu tan và đổ thêm nước vào các địa dương. Và trong 13.000 năm sau đó, mực nước biển thế giới đã đạt ở mức mà chúng ta thấy bây giờ.
Các cộng đồng thổ dân da đỏ đã tồn tại ở Australia từ 65.000 năm trước, bị tách biệt hoàn toàn cho đến thời kỳ thuộc địa châu Âu vào năm 1788. Nhóm của Nunn đã tìm thấy 21 câu chuyện truyền thuyết khác nhau về các địa điểm ven biển Australia bị nhấn chìm và không bao giờ xuất hiện nữa.
Một trong số đó là câu chuyện về truyền thuyết về Ngurunderi, người dân da đỏ đã đuổi theo vợ của mình khi bà đang cố gắng chạy trốn khỏi hòn đảo Kangaroo này bằng đôi chân trần. Trong cơn phẫn nộ, Ngurunderi đã triệu hồi biển khơi dâng lên, chia cắt hoàn toàn hòn đảo này với đất liền và biến người phụ nữ đáng thương nọ thành những hòn đá nằm rải rác trên các vùng biển xung quanh.
Bằng cách liên kết các câu chuyện với các sự kiện địa chất, các nhà nghiên cứu tin rằng, câu chuyện trên có nguồn gốc từ khoảng 7.000-10.000 năm trước.
Giới khoa học cho hay, còn rất nhiều các câu chuyện truyền thuyết, hoặc được coi là thần thoại tương tự như truyền thuyết về lục địa Atlantis… Họ cho rằng các truyền thuyết luôn gắn với các sự kiện có thực, và bởi vậy mà các truyền thuyết trên có phần nào đó là có thực. Nhưng ngày nay, khi công nghệ khoa học dần phát triển, các truyền thuyết truyền miệng đó dần đi vào quên lãng, và đó mới là khi các tàn tích cổ đại thực sự bị “biến mất”.