Nếu như bà Trưng, bà Triệu cầm gươm, cưỡi voi, cưỡi ngựa ra trận đánh giặc cứu nước; bà Điểm đã dám vượt qua định kiến đương thời “trọng nam khinh nữ”, dám đi học lấy kiến thức, đi thi để đỗ đạt giúp đời.
Được biết, bà Đoàn Thị Điểm (段氏點, 1705-1749) hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Bang Tang, quê làng Hiếu Phạm (còn gọi Giai Phạm hay làng Giữa), huyện Văn Giai, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Bà sinh năm Ất Dậu (1705) thời nhà Lê trung hưng, đời Vua Lê Hy Tông, ở miền Bắc Chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Cang, ở miền Nam Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu.
Sau này, lại có người tiến cử bà Đoàn Thị Điểm vào cung Chúa Trịnh để dạy học, lần này, bà Điểm nhận lời. Mặc dù thời gian ở trong cung không nhiều nhưng đủ để bà Điểm thấy rõ những điều xấu xa, thối nát trong đám quan lại của triều đình. Sau này, bà xin trở về nhà.
Mặc dù tài liệu về bà Đoàn Thị Điểm không nhiều, nhưng có thể tìm thấy một số bài giảng mà bà Điểm đã dạy lại cho các cung nữ trong cung thời ấy. Trong đó phải nhắc tới tác phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” gồm 1.401 câu thơ song thất lục bát, được coi là một áng văn chương tuyệt tác bởi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Bà đã viết tác phẩm này với tất cả kinh nghiệm sống trong suốt sinh thời: Làm con trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, làm em giúp đỡ lo lắng cho anh chị và các cháu, rồi làm vợ, làm mẹ (mẹ nuôi)…
Trong tác phẩm “Nữ Trung Tùng Phận”, bà Điểm giảng: “Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần mở Đạo Cao Đài để cứu vớt nhân sanh, lập nên 5 nấc thang tiến hóa cho nhân loại, mà khởi đầu là Nhân đạo, tiến lên kế trên là Thần đạo, rồi Thánh đạo, Tiên đạo và nấc thang thứ năm là Phật đạo”.
Theo đó, trong phần Nhân đạo, Đức Chí Tôn lấy tinh hoa của giáo lý Nho giáo làm căn bản để giáo hoá nhân sinh, chỉnh đốn kỷ cương xã hội, còn được biết đến là “Nho Tông Chuyển Thế”. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hướng tới giáo hóa Nữ phái, lấy Nhân đạo làm nền tảng: Người phụ nữ cần phải trau dồi Tứ Đức, thực hành Tam Tùng, giúp chồng làm nên sự nghiệp, dạy dỗ con cái thành nhân chi mỹ, hữu ích cho xã hội.
Khi đã xong phần Nhân đạo thì nương theo bóng Đức Chí Tôn tìm lên những nấc thang tiến hóa cao hơn là Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo, mà vượt qua bể khổ, thoát đọa luân hồi. Mặt khác, ngay từ thời này, bà Điểm đã có nhiều quan điểm truyền dạy về bình đẳng giới.
Bà cho rằng, cần hướng dẫn người phụ nữ trở lại nền nếp tốt đẹp thời xưa với Tứ Đức, Tam Tùng, nhưng chỉ nên giữ lại phần tinh hoa tốt đẹp, bỏ bớt những điều làm giảm nhân cách phụ nữ và bất bình đẳng với nam phái, cho hợp với trình độ tiến hóa của nhân sinh ngày nay.
Dưới thời phong kiến, dù có tài năng uyên bác, người phụ nữ vẫn không được ra khỏi nhà, không được đi thi, không được làm nghề dạy học. Năm 35 tuổi, mặc dù nghề bốc thuốc cũng tạm đủ nuôi gia đình nhưng bà ngẫm nghĩ rằng cái vốn học vấn và văn tài thì chưa có cách gì thi thố được.Bà Điểm thường nói: “Xem qua các chuyện đàn bà con gái ngày xưa thì thấy không hiếm kẻ có tài hoa, nhưng chưa từng thấy có kẻ dạy học trò đậu đạt”. Nhân thời nhiễu nhương, bà Đoàn Thị Điểm cho rằng mình đủ tư cách để vượt thói thường nên mở trường học tại nhà, vừa bốc thuốc, vừa truyền đạo thánh hiền. Danh tiếng của bà đã thu phục được lòng người. Con em gần xa nô nức cắp sách đến trường bà Điểm.
Sinh thời, bà Đoàn Thị Điểm có nhiều đóng góp trong giáo dục đương thời trên lĩnh vực dạy học, trọng dụng nhân tài. Về dạy học, ngoài việc dạy học trong triều đình nơi cung vua, phủ chúa bà còn dạy học cho con em nhân dân bằng hình thức mà ngày nay gọi đó là hình thức giáo dục từ xa.
Đó là bà cho mở các lớp học ở các làng quê, sau đó duy trì việc học bằng cách, bà trực tiếp giao đề bài rồi gửi về để học trò học, làm bài, sau đó nộp ống quyển rồi gửi lên Thăng Long để bà xem xét, chấm điểm. Cùng với việc mở ra loại hình giáo dục từ xa, bà còn là người mở ra hình thức khuyến học, đó là việc bà dùng tiền lương mở lớp học ở các làng quê, giúp đỡ các học trò nghèo có điều kiện được đi học.
Cũng thông qua việc chấm thi, bằng tài năng, đức độ và tấm lòng trân trọng người tài, bà đã giúp triều đình lựa chọn tìm ra những người tài ra giúp nước. Có thể nói công lao của bà đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà rất lớn, đương thời bà được các nho sĩ, danh sĩ và người dân đánh giá rất cao. Khi bà mất, nhân dân đã xây tháp mộ để hương khói. Trong số học trò nhỏ của bà về sau có nhiều người thành đạt, như Đào Duy Doãn quê ở xã Chương Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1763.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, dường như vào thời trung đại, duy nhất có bà Đoàn Thị Điểm là nữ mở trường dạy học và trở thành danh sư. Dù ở xã hội phong kiến không dành cho phụ nữ những ngôi vị quan lại và có điều kiện thi cử ngang hàng với nam giới; bà Điểm không hề kém tiếng ở đất kinh kỳ về văn thơ, nổi tiếng về sự nghiêm nghị, đoan trang, cứng cỏi.
Với những tác phẩm để lại cho đời, bà đã được người đương thời tôn vinh là một nữ sĩ có thi tài lỗi lạc, với lời thơ tao nhã, đài các, bóng bẩy, giàu âm điệu và là một phụ nữ mẫu mực nho phong, đầy đủ hiếu thảo, nghĩa khí.
Nhận thức về bình đẳng giới từ rất sớm, tác phẩm “Truyền kỳ tân phả” của bà Đoàn Thị Điểm mang nội dung đề cao hình ảnh người phụ nữ đương thời. Cùng với bản dịch chữ nôm “Chinh phụ ngâm” đầu tiên đã đưa bà Đoàn Thị Điểm lên thành một đỉnh cao văn chương thời bấy giờ. Đây cũng là yếu tố làm nên tên tuổi cùng với sự nghiệp của bà Đoàn Thị Điểm sống mãi với hậu thế.
Nguồn: Pháp Luật online